Đây là một "hoa trái" đầu tiên của công trình VOS (Vietnam Osteoporosis Study) mà tôi đã có dịp giới thiệu trước đây. Trong nghiên cứu này, chúng tôi quan tâm đến các bệnh mãn tính, kể cả tiểu đường và loãng xương. Dựa vào dữ liệu mới thu thập trên 1300 người, chúng tôi phát hiện rằng số người mắc bệnh tiểu đường ở TP Hồ Chí Minh đã ở ngưỡng có thể nói là "dịch bệnh". Nhưng điều đáng ngại là đa số những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh!
Tiểu đường (có khi còn gọi là "đái tháo đường") là một bệnh lí nguy hiểm vì sự ảnh hưởng của bệnh đến bệnh nhân về lâu dài. Một trong những biến chứng quan trọng là bệnh nhân bị chứng võng mạc tiểu đường và dẫn đến mù sau một thời gian mắc bệnh nếu không được điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị các chứng như lở loét bàn chân, có khi phải cắt chân; gây rối loạn chức năng thận; dẫn đến bệnh tim mạch; và xơ gan. Do đó, bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ tử vong tăng gấp 5 lần so với người không mắc bệnh.
Dùng phương pháp xét nghiệm mới nhất (HbA1c) trên 1300 người trưởng thành ở TPHCM, các nhà nghiên cứu phát hiện có đến 12% người mắc bệnh tiểu đường. Tỉ lệ này đã tương đương với các sắc dân Âu Mĩ. Nhưng trong số này, chỉ có 1/3 là biết mình mắc bệnh, còn lại 2/3 không hề biết mình mắc bệnh!
Nghiên cứu còn cho thấy một tình trạng đáng báo động hơn: Đó là có đến 40% người tham gia nghiên cứu có nồng độ HbA1c trong tình trạng "tiền tiểu đường". Những người này nếu không được theo dõi và quản lí kĩ sẽ trở thành tiểu đường. Đó là một tình trạng đáng báo động. Kết quả nghiên cứu cho thấy có hơn phân nửa dân số TPHCM có thể có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường.
Công trình nghiên cứu còn so sánh chẩn đoán tiểu đường bằng xét nghiệm đường trong máu và phương pháp mới là HbA1c. Kết quả cho thấy xét nghiệm đường trong máu có thể bỏ sót rất nhiều ca bệnh. Trong số những người mắc bệnh tiểu đường (qua tiêu chuẩn HbA1c), xét nghiệm đường trong máu bỏ sót đến 50% ca bệnh.
Kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa Diabetes Care (impact factor 8.4), một tạp chí hàng đầu thế giới trong chuyên ngành nội tiết học và tiểu đường. Chúng tôi rất vui vì đây có lẽ là một trong những công trình về tiểu đường được công bố trên tập san số 1 này. Nó còn chứng tỏ rằng nếu chúng ta làm nghiên cứu có chất lượng tốt thì việc công bố trên các tập san có ảnh hưởng cao là hoàn toàn có thể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét