Thỉnh thoảng, trong vai trò người biên tập (và có khi là bình duyệt), tôi bắt gặp nhiều lỗi về cách viết thông thường ở người Á châu. Một số sai sót đó chính tôi cũng từng bị. Thường thì tôi không đề nghị sửa, vì đó là việc của người biên tập ngôn ngữ chứ không hẳn là việc của người biên tập khoa học. Hôm nay, đọc một bài từ một tập san y khoa về 10 sai sót tiếng Anh của người Bồ Đào Nha (1), tôi lược ra những sai sót cũng rất phổ biến ở người mình, và thêm vào vài ý kiến của tôi:
1. Không nên bắt đầu câu văn bằng ‘‘It is…’’ quà thường xuyên.
Ai cũng biết đó là cách viết rất phổ biến khi chúng ta không biết bắt đầu "câu chuyện" như thế nào. Vì thế người ta hay viết kiểu như ‘‘It is important…’’, ‘‘Also, it is very common…’’, ‘‘There is little attention…’’ Chẳng có gì sai về mặt văn phạm với những cách viết đó, nhưng cách viết đó rất trẻ con, và nó làm cho người đọc nghĩ người viết còn đang học tiếng Anh. Ngoài ra, trong văn phong khoa học, "It is ..." là một cách diễn đạt yếu (weak expression). Một hay vài câu văn với cấu trúc đó thì ok, nhưng nhiều quá thì rất dở. Thử so sánh:
Cách viết yếu ớt: "It is important to highlight the most recent works that…’"
Cách viết mạnh mẽ: ‘"The most recent works that (…) are important to highlight.’"
2. Dùng "The" cho đúng, nhất là khi đề cập đến một hiện tượng, vật thể, hay con người.
Người Á châu chúng ta rất "đau đầu" với mạo từ the/a. Phải một thời gian dài mới quen cách dùng mạo từ cho đúng. Chẳng hạn như trong khoa học, tôi hay thấy người ta viết kiểu "The cells were plated…" là một cách viết vừa dở vừa sai. Bởi vì người đọc không biết những tế bào mà tác giả nói là tế bào nào. Phải cụ thể thì mới dùng "the" được. Thay vì viết như thế, nên viết đúng hơn: "Cells were plated…"
Dĩ nhiên, cần phải dùng "the" khi đề cập đến những đối tượng cụ thể. Chẳng hạn như câu "…which caused large influx of human populations to the region" là sai. Nên viết: "…which caused the large influx of human populations to the region". Ngoài ra, rất nhiều người viết sai kiểu "number of individuals" thay vì "the number of individuals", vì cần phải có "the" trước number trong phần lớn văn phong khoa học.
3. Chỉ viết hoa khi đề cập đến một địa danh hay danh xưng
Ví dụ: "The University of Saigon", chứ không phải "University of saigon".
Trong tiếng Anh, người ta không viết hoa mẫu tự khi đề cập đến vùng miền. Ví dụ: "Samples were collected from the central-western region of Vietnam," chứ không phải "Central-Western region of Vietnam."
4. Bỏ "that" khi cần thiết
Nhiều người do có lẽ mới học tiếng Anh hay chưa dùng tiếng Anh thường xuyên, nên hay dùng "that" rất nhiều trong cách viết. Chẳng hạn như "The results showed that many people like fruits" là câu chẳng có gì sai về văn phạm, nhưng nếu bỏ "that" thì câu văn không bị "gãy".
5. Không thêm "s" vào chữ số
Một lỗi tôi thấy khá phổ biến là tác giả Á châu thường thêm "s" như là số nhiều cho chữ số như "In 2010, there were 8.8 millions new cases of this disease around the world". Sai. Nên viết cho đúng là "In 2010, there were 8.8 million new cases of this disease around the world."
6. Coi chừng giả định sai.
Trong tiếng Việt, chúng ta có thể viết theo kiểu giả định, tức là hàm ý nói độc giả đã biết mình đề cập đến cái gì. Do đó, cái tư duy này cũng nhiễm sang cách viết tiếng Anh, như:
"In this study, 74 patients were included. Of these, 7 (9.5%) were male."
Trong câu trên, chữ "Of these" hàm ý nói rằng trong số này là bệnh nhân (từ câu đầu). Nhưng tiếng Anh và văn phong khoa học không có kiểu viết đó, mà phải cụ thể:
"In this study, 74 patients were included. Of these, 7 (9.5%) patients were male."
Tương tự, trong so sánh, chúng ta có thể viết theo kiểu tư duy Việt Nam như "Núi ở Việt Nam thấp hơn và xanh hơn Cambodia", hay trong tiếng Anh:
The mountains in Vietnam are lower and greener than Cambodia
Nhưng đó là cách viết sai, vì độc giả không biết so sánh với cái gì ở Cambodia. Phải viết đúng là:
The mountains in Vietnam are lower and greener than the mountains in Cambodia
7. Nếu viết tiếng Việt dở thì viết tiếng Anh cũng dở
Tôi hay trích câu nói rất nổi tiếng của một nhà văn Mĩ là "Writing is thinking" - viết văn là một cách suy nghĩ. Do đó, viết văn, dù là tiếng Việt hay tiếng Anh, cũng là một cách bày tỏ suy nghĩ của mình trên trang giất (hay ngày nay là trên màn ảnh!) Suy nghĩ mù mờ thì viết văn cũng mù mờ. Ở Việt Nam chúng ta, có những khẩu hiệu và quá nhiều ví von vô duyên và vô nghĩa nó thấm sâu vào đầu óc của nhiều người nên khi các đồng nghiệp viết văn tiếng Anh họ cũng bị ... lây nhiễm. Chẳng hạn như những câu "Dưới ánh sáng của nghị quyết", "Lương y như từ mẫu", "Bài toán chất lượng giáo dục", "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", v.v. nếu viết bằng tiếng Anh thì rất vô duyên và chỉ làm cho đồng nghiệp nước ngoài gãi đầu bứt tóc không biết mình nói cái gì. Cố gắng và tập thói quen suy nghĩ rõ ràng và dùng câu chữ trong sáng để người đọc còn hiểu. Còn nếu nghĩ rằng phải viết theo kiểu "đa tầng" ai muốn hiểu sao thì hiểu, thì đó chỉ là một cách lừa dối chính mình. Văn phong khoa học không có chỗ nào cho kiểu viết mù mờ.
===
(1) Marlow MA. Writing scientific articles like a native English
speaker: top ten tips for Portuguese speakers. Clinics (Sao Paulo). 2014 Mar; 69(3): 153–157.
speaker: top ten tips for Portuguese speakers. Clinics (Sao Paulo). 2014 Mar; 69(3): 153–157.
Một bài khác cũng nói về những sai sót tiếng Anh rất đáng đọc:
http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/16484142.2005.9638031#.Vsk0F5N97YI
Error analysis of scientific papers written by non‐native speakers of English
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét