Hôm nọ, trên đường đi Đà Lạt, băng ngang qua Đồng Nai, tôi chợt nghĩ sao VN chưa có một đại lộ hay một con đường mang tên công nương Ngọc Vạn. Bà là người có công mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Bà là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn, con gái của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, không rõ bà sinh năm nào, và mất năm nàov vì sách sử Nguyễn triều không ghi. Chỉ biết năm 1620, bà được thân phụ gả cho vua Chân Lạp là Chey Chetta đệ nhị. Tuy bà là vợ thứ 3 của vua Chetta II nhưng bà đã nhanh chóng trở thành hoàng hậu đầy uy quyền trong triều đình với tước hiệu là Somdach Prea Peaccayo dey Preavoreac. Hai người vợ trước của Chetta II (một người gốc Lào) bị "lép vế" từ ngày bà công nương An Nam về triều đình. Ngay cả sau khi vua Chetta II qua đời và những cuộc tranh chấp đẫm máu sau đó bà vẫn giữ vai trò hoàng thái hậu và giải quyết những tranh chấp có lợi cho VN và Chân Lạp.
Sử sách ghi rằng khi về nhà chồng công nương Ngọc Vạn được đem theo một đoàn tuỳ tùng mà sau này một số làm quan trong triều đình Chân Lạp. Sau khi trở thành hoàng hậu, Ngọc Vạn vận động vua Chetta cho Chúa Nguyễn mở một đồn thuế ở nơi mà nay là Sài Gòn, và lập một dinh điền ở vùng đất nay là Bà Rịa. Viết về sự kiện này, nhà nghiên cứu G. Mápéro ghi rằng "Vị vua mới lên ngôi là Chey Thettha II cho xây một cung điện tại Oudong, ở đây ông làm lễ thành hôn với một công chúa con vua An Nam. Bà này rất xinh đẹp, về sau có ảnh hưởng lớn đến vua. Nhờ bà mà một phái đoàn An Nam đã xin và được vua Chey Thettha II cho lập thương điếm ở miền nam Cao Miên, nơi này nay gọi là Sài Gòn".
Đây là một bước Nam tiến quan trọng đầu tiên. Sau khi vua Chey Chetta đệ nhị băng hà (1628) thì đã có nhiều người Việt đến định cư ở vùng đất nay là Sài Gòn, Bà Rịa, Biên Hoà, Đồng Nai. Từ đó, bờ cõi VN được mở rộng về phía Nam, và đến cuối thế kỉ 17 thì VN coi như đã làm chủ cả vùng thuỷ Chân Lạp, tức vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Trong quá trình mở mang bờ cõi, phải nói là có công lớn của công nương Ngọc Vạn.
Sau hơn 50 năm chấp chính trong triều đình đầy biến động, thái hậu Ngọc Vạn lui về sống ở Bà Rịa và xây chùa Gia Lào ở Đồng Nai, nơi bà ẩn tu cho đến ngày qua đời.
Nhưng ngạc nhiên thay, sử sách của Nhà Nguyễn không hề ghi công trạng của Ngọc Vạn. Thậm chí, sử Nhà Nguyễn cũng không hề viết gì về cuộc hôn nhân giữa Ngọc Vạn và Chey Chetta đệ nhị! Tuy nhiên, sách sử Campuchea và các sử gia nước ngoài thì ghi khá rõ vai trò của Ngọc Vạn, người được mô tả là xinh đẹp và nết na. Giới sử học VN đánh giá rất cao công trạng của công nương Ngọc Vạn trong công cuộc nam tiến, người "đóng vai quốc mẫu Chân Lạp đó, Ngọc Vạn đã làm được nhiều việc cho dân tộc Việt mà thiết tưởng không có ai khác của nước Việt làm nổi". Vậy thì tại sao chính quyền hiện hành không xem xét đặt một con đường lớn ở vùng Đồng Nai - Biên Hoà mang tên Ngọc Vạn?
Nhưng có lẽ ý tưởng trên chỉ là viễn vông (chữ này càng ngày càng phổ biến!) Lí do là chính quyền hiện hành không ưa triều Nguyễn, nên họ cố tình lờ đi những công trạng hết sức quan trọng của triều Nguyễn. Thật là không may mắn khi sự thật lịch sử bị làm cho lệch lạc hay che mờ bởi chủ kiến chính trị của một thiểu số có quyền thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét