Những ngày cuối năm 2015 thì ít ghi chép vì công việc quá bận rộn. Bận từ 7:30 sáng đến 5 giờ chiều. Có những ngày từ lớp học về khách sạn mệt lả người, chỉ biết quăng cái cặp ra đó, và nằm nhìn ... trần nhà! Nhưng sau lớp học thì tôi có dịp đi đây đi đó, và nhân dịp đó ghi chép lại cảm nhận của mình trong những ngày đầu năm 2016.
1/1/16: Chúc mừng năm mới
Thế là tôi có dịp đón giao thừa năm 2015 - 2016 ngay trên quê hương! Hai chữ đó, "quê hương", nghe thì cảm tính, nhưng là sự thật. Xin Nhân dịp này tôi mến chúc bạn bè và đồng nghiệp xa gần một năm 2016 nhiều may mắn và hanh thông.
Hôm qua, chúng tôi bế mạc khoá học 12 ngày, xem như là một cách chào đón năm mới. Hôm kia, trong lớp học chúng tôi có bàn qua sự khác biệt giữa nguy cơ (risk) và hazard (rủi ro). Tôi nghĩ khái niệm hazard rất thích hợp trong việc mô tả tình trạng bất định ở VN, bởi vì rủi ro ở đây xảy ra trong bất cứ giây phút nào chứ không phải ở một khoảng thời gian. Bước chân xuống đường hay băng qua đường dù chỉ là con đường bề ngang chưa đầy 10 mét là phải chấp nhận rủi ro tai nạn, thậm chí tử vong. Thành ra, cái yếu tố nhiễu ở VN nó không chỉ bàng bạt khắp nơi mà còn hiện diện trong từng giây phút.
Bởi vậy, tôi nghĩ ở đất nước này, may mắn là một điều hết sức cần thiết, bởi sự việc xảy ra hết sức ngẫu nhiên và tuỳ hứng. Ở xứ người ta, mọi sự việc được thiết kế có hệ thống, và vì thế đầu ra nó xảy ra theo qui luật có thể tiên đoán được. Dĩ nhiên cũng có nhiễu, nhưng nó ít hơn và chỉ là phần nhỏ. Còn ở VN, trên lí thuyết sự việc cũng được thiết kế, nhưng có lẽ vì thiết kế chưa tốt, nên đầu ra rất khó tiên đoán được.
Ví dụ như rủi ro giao thông, ở xứ người ta, xe cộ đi đúng làn, luật pháp nghiêm minh, nên tai nạn ít xảy ra, hay có xảy ra thì việc phân định trắng đen, lỗi phải rất rõ ràng. Còn ở nước này, luật giao thông thì có cả rừng luật, nhưng thi hành thì theo luật rừng; thành ra, tai nạn giao thông xảy ra rất thường xuyên, và khi tai nạn xảy ra thì việc phân định lỗi phải không còn dựa trên pháp lí mà lại dựa trên cảm tính và quyền uy. Do đó, ở VN chúng ta thấy yếu tố nhiễu nó lấn át yếu tố hệ thống. Chính vì thế mà chúng ta sống trên cái đất nước này rất cần sự may mắn.
Ví dụ như ai sẽ làm "sếp" cao nhất của nước trong năm tới, cũng nhiễu nhiều hơn tín hiệu. Có thể nói đi đâu và bất cứ dịp nào người ta cũng bàn đến ai sẽ làm lãnh đạo cao nhất trong đảng (cũng có nghĩa là cả nước). Đủ loại tiên đoán, đủ thứ quan điểm và cách tiếp cận. Nhưng chứng cứ thì không có. Thành ra, đồn đoán vẫn là võ đoán. Còn ở các nước văn minh, họ có hệ thống bầu cử, nên ai làm lãnh đạo rất dễ đoán và đoán đúng. Tình trạng mờ mờ ảo ảo thông tin là môi trường tuyệt vời nhất cho sự lan truyền của những đồn thổi tào lao, nhưng cái tào lao đó nó có hiệu quả tăng những cái-người-ta-tin-là thiên tài của giới lãnh đạo. Họ núp sau những đám mây mờ thông tin để thiên hạ tha hồ bàn tán và tung hô, và kết cục là cả xã hội lao theo những tiểu tiết để bỏ qua cái bức tranh lớn của đất nước.
Bức tranh lớn của đất nước, nếu có dịp trầm mình ở đây, thì rất ư là xám xịt. Khó có thể tìm ra một tín hiệu tích cực cho tương lai. Từ cấp tỉnh đến trung ương, đâu đâu người ta cũng nêu nhiều vấn đề về thể chế, kinh tế, xã hội, môi trường sống, v.v. nhưng giải pháp thì không có (hay có thì cũng là chấp vá). Đọc tin tức hàng ngày toàn những tin không hay. Hết tỉnh này đến thành phố khác đua nhau xây tượng đài nhưng lại hết tiền trả lương. Y như bệnh nhân đang chết từ chân lên não.
Việt Nam ví như một cỗ xe cũ kĩ, với cái động cơ được chấp vá từ Tây, Nga, Tàu, và những cơ phận khác đang mục ruỗng; người tài xế và hành khách loay hoay sửa chữa cái cỗ xe đó nhưng vô vọng. Cái "tragedy" là không ai nghĩ là họ cần một cái xe mới, nên cứ mãi bám lấy cái xe cũ và hệ quả là cả tài xế lẫn hành khách đều khổ vì nó do đã tiêu hao quá nhiều năng lượng cho cái cỗ xe mà ai cũng biết nó chẳng đi đến đâu.
Thành ra, chúc các bạn một năm mới an lành và may mắn tìm được chỗ ngồi trong cái cỗ xe Việt Nam là rất cần thiết.
2/1/16: Về quê ngoại
Hôm nay sau khi xong lớp học, tôi bay ra Phù Mỹ thăm cậu ba (hình) và bà con bên ngoại. Sau hơn 5 năm quay lại, phi trường Phù Cát do Mĩ để lại vẫn thế, tức là tiêu biểu của một phi trường tỉnh lẻ. Mỗi ngày có 6 chuyến bay từ Sài Gòn và Hà Nội đến đây, và phi trường chỉ nhộn nhịp khi có máy bay đáp. Thích nhất là đứng một góc của nhà ga và quan sát và lắng nghe dân "nẫu" nói chuyện.
Cậu ba tôi ở Bình Định
Con đường ngoằn ngoèo từ con lộ chính vào nhà đã được lót bê tông, hai bên đường có nhiều nhà ngói và tường gạch hơn. Bức tranh thôn quê ở đây đã sinh động hơn và thịnh vượng hơn. Cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng đằng sau cái thịnh vượng đó là những giọt mồ hôi của những người con Bình Định làm thuê ở tận Bình Dương và Sài Gòn, chứ địa phương chẳng có đóng góp gì cả.
Sau 5 năm gặp lại thần sắc cậu ba vẫn thế, nhưng thể chất yếu hơn nhiều và trí nhớ bắt đầu lẫn lộn ở cái tuổi 96. Cậu là người còn sót lại trong đại gia đình sau cuộc phân li trong thời chiến, mà hệ quả là một số vào nam, một số đi tập kết ra bắc tử miền trung, và một số ở lại miền trung. Cậu ba tôi thuộc nhóm 2, tức tập kết ra bắc và sau này về quê ở miền trung. Tưởng đâu là thất lạc rồi, vậy mà đến cuối thập niên 1990 thì hai nhóm miền nam và trung mới nối kết được với nhau qua một tin nhắn trên đài truyền hình.
Có lẽ nói không ngoa là cậu ba tôi là người tin vào ông cụ Hồ. Ông xem mình là "bộ đội cụ Hồ", hay nói chính xác hơn là sĩ quan của ông Hồ. Bởi thế chân dung ông Hồ được vinh dự "ngồi" bên cạnh các bà con quá cố trên bàn thờ. Tôi thở phào nhẹ người khi thấy hình ông Hồ thấp hơn hình ông bà cố.
Cái huy chương kháng chiến hạng nhất vẫn được treo trên tường một cách trang trọng. Nhưng cái tờ giấy chứng nhận đã phai màu theo thời gian và bụi bậm đóng đầy trên mặt kiếng. Có lẽ ở cái tuổi 96 cậu tôi cũng chẳng quan tâm đến cái huy chương đó vì nó có vẻ chẳng đem lại lợi ích gì thực tế.
Điều mà cậu ba tôi quan tâm là con cháu và ... con chó. Cậu ngồi đó nhìn chúng tôi ăn uống và nói chuyện, thỉnh thoảng gật gù mỉm cười. Khi thấy hai đứa cháu nội đến chơi, cậu sáng mắt lên. Con chó nó chạy loanh quanh như chào khách, nhưng cậu bảo nó ra ngoài. Cậu nói chuyện với nó như nói với người!
Gia đình bên cậu tôi có đủ thứ tiếng bắc, trung, nam. Vì mợ là người bắc nên một vài anh chị nói tiếng bắc. Còn các anh chị sinh ra trong Bình Định thì nói giọng nẫu. Tôi thì nói giọng nam bộ. Thành ra, bữa ăn xum họp nghe đủ thứ giọng nói. Hình như người nẫu có giọng nói líu lo cứ như là chim hót vậy. Một vài phát âm cũng rất đặc thù, như "xong rầu" là "xong rồi", hay "cháo hèo" là "cháo hào"! Tôi thấy các chị nói giọng nẫu khá khó nghe, phải lắng nghe kĩ và đầu óc làm việc phiên âm liên tục tôi mới hiểu các chị ấy nói gì!
2/1/16: "Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa"
Tối qua tôi ra Qui Nhơn nhận phòng và có đi ngang qua trường Đại học Qui Nhơn, nơi mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng theo học thời trước 1975. Cũng chính nơi này, nhạc sĩ lúc đó (1962) mới 23 tuổi đã sáng tác ca khúc bất hủ "Biển nhớ" để nhớ một người con gái [nghe nói] tên là Bích Khê.
Thành phố Qui Nhơn là thành phố biển. Phía sau lưng là vách núi, còn trước mặt là biển. Vì là thành phố biển nên nó có những nét đặc thù của một phố biển, từ thức ăn đến phong cách cư xử. Đêm qua tôi đến đây đã hơn 10 giờ mà đường phố vẫn còn đèn điện sáng rực, nhân dịp chào đón năm mới 2016. Nam thanh nữ tú dập dìu ngoài phố, mặt mũi ai cũng vui, và họ líu lo cứ như chim hót. Qui Nhơn buổi tối thời tiết dễ chịu lạ thường, tôi đoán là khoảng 22 độ C, nhưng người dân ở đây đều mặc áo lạnh như là nhiệt độ đang xuống 10 độ C!
Tôi lang thang và tạt vào một quán ven đường uống nước mía, nên có dịp quan sát dòng xe chảy trên con lộ ven biển mang tên thi sĩ lừng danh Xuân Diệu. Những chiếc xe mang biển hiệu từ các tỉnh khác rất nhiều ở đây. Thỉnh thoảng có mấy chiếc xe ngựa chở du khách đi hóng gió biển. Nhìn mấy con ngựa nhỏ bé (so với ngựa Tây) vất vả kéo đám du khách, mà thương cho chúng làm kiếp trâu ngựa, và chợt nghĩ xa hơn là cả dân tộc này cũng đang làm kiếp trâu ngựa cho những nhóm đặc lợi. Ngày xưa, đây là một nơi rất nghèo và tồi tàn, nhưng nay đã được chỉnh trang khá sạch sẽ. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu người đã mất nhà và đất để đánh đổi sự sạch sẽ ngày hôm nay.
Biển Qui Nhơn
Khách sạn tôi ở nằm ngay ven biển, gần mộ Hàn Mặc Tử. Nhận phòng xong thì mới biết phòng nằm ngay trước mặt biển. Hoá ra, anh bạn già Nicholas đã chọn phòng loại "ngon lành" cho tôi (thank you). Ban đêm có thấy gì đâu, nhưng sóng biển thì nghe rất rõ, và tôi tự hỏi với âm thanh biển sóng này làm sao mình ngủ được đây. Phải nói là có nằm ngủ ở cái khách sạn này mới cảm nhận được câu hát "Nằm nghe sóng vổ từng lớp xa" của nhạc sĩ Lam Phương. Âm thanh của sóng biển cũng có vần điệu của nó, nên mình có thể đoán được xu hướng sóng vỗ ra sao. Nghe đợt sóng đầu là có thể đoán được đợt sóng sau. Rất thú vị. Hoá ra thiên nhiên coi hỗn độn vậy nhưng trong đó cũng có cái qui luật của nó.
Nouveaux Rich
Sáng nay xuống phòng ăn sáng thì cả một thế giới ngạc nhiên. Gần như 100% khách ăn sáng ở đây là người nói tiếng bắc, mà tôi đoán là du khách từ miền ngoài. Họ "chiếm dụng" luôn cái bàn của tôi, có lẽ do họ không biết cái dấu tôi để trên bàn là đã có người. Nhưng tôi nghĩ chẳng sao, có người ngồi chung thì vui. Tuy nhiên tôi lầm to, vì họ kéo cả bầy vào bàn, ăn nói như chỗ không người và cũng chẳng cần biết người khác đang có mặt, và tôi tự biết mình phải làm gì: "dời đô". Họ dĩ nhiên là khách loại có tiền nên mới ở đây, nhưng tôi dám chắc họ là loại "nouveaux rich" vì chỉ nhìn cách cầm dao nĩa, cách ăn mặc là biết ngay. Có bà kéo theo người làm (là một bà cụ hết sức hiền từ). Tôi nghe mẫu đối thoại mà không chịu được. Bà xồn xồn (là quan chức và chủ) đối xử với bà cụ như con sen. Bà cụ trước khi cầm đũa, nhìn bà xồn xồn nói "mời bà ạ", nhìn sang ông đen đen bà nói "mời ông ạ", ai bà cũng mời. Thấy tôi im lặng ăn, bà quay sang tôi nói "mời ông ạ". Tôi vừa cảm động vừa khó tả, nhưng để chứng tỏ lòng kính người cao tuổi, tôi nói cho cả bàn nghe: "cháu mời cụ". Cái bà xồn xồn đưa mắt nhìn tôi lườm lườm, mà tôi thấy thiệt khó ưa. Tôi tự hỏi trong lòng là mấy người này tham nhũng mỗi năm bao nhiêu để họ hành xử vô giáo dục như thế với bà cụ. Đám nouveaux rich này rất đáng khinh.
Tôi chợt nghĩ ra sóng biển cũng như là ... tham nhũng. Nếu đợt sóng biển thứ hai lúc nào cũng dữ dội hơn đợt trước, thì tham nhũng ở nước ta cũng thế: tham nhũng đợt sau có xu hướng lớn hơn và tinh vi hơn đợt trước. Sóng biển vỗ về bất tận, thì tôi sợ tham nhũng ở nước ta cũng sẽ là bất tận.
Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa
Bọt tràn theo từng làn gió đưa.
Bọt tràn theo từng làn gió đưa.
3/1/16: Về quê nội gặp thầy "fan"
Hôm nay tôi gặp hai người từng "quen" tôi qua trang blog. Đi xa mà gặp người quen qua thế giới blog thì phải nói là một trải nghiệm đầy thú vị và khó quên. Càng khó quên hơn khi tôi có dịp tiếp kiến một bậc tu hành ở ngay tại Qui Nhơn ...
Chương trình ngày thứ hai ở Bình Định là ghé thăm bên nội. Nội tôi là người Tuy Phước, và ba tôi sinh ra từ đây rồi theo đoàn quân Việt Minh vào tận Kiên Giang vào những năm "mùa thu rồi, ngày 23 ta đi theo ..." Sau 1954, ba tôi ở lại và lập nghiệp ở Kiên Giang chứ không ra Bắc. Cũng là một quyết định may mắn và đúng đắn. Ba tôi chỉ về thăm quê đúng 2 lần trước khi qua đời. Ở Tuy Phước, bên nội tôi chẳng còn bà con nhiều, người cháu gái duy nhất còn sót lại cũng đã qua đời vào năm ngoái ở cái tuổi 69. Thành ra, chuyến đi thăm quê nội là thăm mấy đứa gọi tôi bằng cậu và thắp một nén nhang cho người em họ, và thăm mộ nội & cố.
Con đường từ Qui Nhơn đến Tuy Phước phải qua Diêu Trì, cạnh đường rầy xe lửa. Tuy chỉ có 20 hay 30 km nhưng phải mất đến 40 phút. Cũng như bao nhiêu địa phương khác ở miền Trung, Tuy Phước là một vùng đất nghèo nàn. Cái nghèo có thể thấy ngay qua những căn nhà bé xíu, thấp thấp, và nhìn bên trong thì chẳng có gì. Người dân hai bên đường cũng thể hiện cái nghèo qua cách mặc đồ, nói chung là rất ư lam lũ. Mấy đứa cháu tôi cũng thế: rất nghèo. Gia tài mẹ chúng để lại chỉ là một căn nhà bề ngang 5 m, ở trong một con đường ngoằn ngoèo và chật hẹp. Chúng nó làm đủ thứ nghề để kiếm sống, kể cả nghề gỗ và ... đập đá. Ở đây không có ruộng đồng phì nhiêu như ở miền Tây nên tụi nó không biết làm ruộng là gì!
Tôi có một lí thuyết là chỉ cần nhìn ánh mắt người dân là biết dân tộc đó vui hay buồn. Nhìn người nông dân Thái Lan chúng ta thấy ánh mắt vui và hiền; nhìn ánh mắt người Việt ở đây, chúng ta thấy đó là ánh mắt buồn và lo âu. Buồn có lẽ vì cái nghèo khó có lối thoát. Lo âu vì tương lai bất định. Ngay cả người đứng đầu đảng còn chẳng biết đất nước mình sẽ đi đâu, thì làm sao kì vọng người dân biết mình sẽ có tương lai như thế nào. Ở đất nước này tương lai là biến cố ngẫu nhiên chứ chẳng có gì mang tính hệ thống cả. Tôi nghĩ ánh mắt của người Việt nói chung, chứ chẳng riêng gì ở đây, phản ảnh cái buồn tủi của một dân tộc thấp hèn và một tương lai mờ mịt.
Tuy nhiên, thế hệ tiếp thì có vẻ khá hơn, vì chúng có học cao hơn (cao đẳng, đại học) và có việc làm ok, nhưng chúng nó chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện về quê (tức là chúng cũng giống như ba tôi 70 năm trước). Dân Bình Định ham học, cho nên dù nghèo thế nào, cha mẹ vẫn để dành tiền cho con đi học, với hi vọng đổi đời. Cái nghèo làm cho những người con Bình Định phải xa xứ, và họ hình như chẳng có gì hối hận cho cái số mệnh xa quê.
Theo chương trình, ông anh tôi ghé chùa Thiên An để thăm người thầy trụ trì ở đây. Từ Tuy Phước đến đây cũng gần, nên tôi có dịp ... viếng chùa. Trong khi ông anh tôi thăm thầy, tôi lang thang trong sân chùa khá rộng và khang trang. Ngôi chùa nằm ngay trên con lộ chính của thị xã An Nhơn, nên bị vay quanh bởi phố xá và nhà dân. Nghĩ tu ở đây cũng là một thách thức. Bên kia đường có một đám cưới đang diễn ra, nhạc xập xình cùng tiếng ca tài tử vang vội cả một góc phố và lan sang chùa. Dù không muốn nghe, tôi vẫn phải nghe những bài là lạ:
Bằng lòng đi em về với quê anh
Một cù lao xanh một dòng sông xanh.
Một vườn cây xanh hoa trái đơm hương
Nghe hay hay và hợp cảnh. Thế mà bài sau đó là bài gì mà có cái tên là "anh ba khía". Tôi chép miệng thở dài và than thở nhạc nhiếc gì mà dung tục thế!
Đang lan man suy nghĩ thì có người mời tôi đi gặp thầy trụ trì. Trong lúc theo người hướng dẫn tôi đi ngang qua khu nhà dành cho các chú tiểu, tôi nghe họ đang học tiếng Anh và đang tranh luận về nghĩa của một danh từ Phật học. Định nhảy vào giải thích, nhưng tôi thấy thôi. Văn phòng làm việc của thầy trụ trì toàn là sách. Tôi liếc qua thì thấy các bộ sách của các thầy Thích Quảng Độ, Thích Nhất Hạnh, Trí Siêu, Huyền Quang, v.v. Tôi thấy an tâm khi nói chuyện với thầy trụ trì, vì thầy không đọc sách Mác Lê Mao.
Thầy có một pháp danh đẹp: Thích Đồng Thành. Và, quan trọng hơn là thầy là "fan" của tôi. Trước đây thầy theo học tiến sĩ bên Ấn Độ , và thầy nói đã đọc blog của tôi từ đó đến nay, nên thấy tôi có mặt ở đây và muốn gặp mặt đàm đạo cho vui. Thật không ngờ một bậc tu hành mà cũng đọc blog của tôi. Có thể nói không ngoa là thầy là "fan" của tôi, vì thầy nói đọc không sót một bài nào của tôi.
Thầy trẻ hơn tôi nhiều, nhưng thần sắc toát lên một người tu hành thật sự và nghiêm trang. Thầy gọi tôi là "thầy", và tôi cũng gọi thầy là "thầy". Ông anh tôi nói đùa, chẳng biết giữa hai ai là thầy của ai! Hoá ra thầy là giảng viên Phật học cho trường trung cấp Phật học ở tu viện Nguyên Thiều, một địa chỉ lừng danh trong Phật giáo Việt Nam. Thầy cho biết thầy cũng hướng dẫn luận án nữa.
Thầy rất quan tâm đến giáo dục, và chúng tôi đã có một buổi đàm đạo ngắn nhưng thú vị. Thầy hỏi tôi đâu là căn nguyên của tình trạng suy thoái giáo dục như hiện nay. Tôi nói thẳng rằng căn cơ của mọi căn cơ của mọi nguyên nhân là thể chế du nhập những tư tưởng lạc hậu và lai căng về VN, rồi chính trị hoá học đường bằng cái hệ tư tưởng đó. Cái căn cơ thứ hai là thiếu sự đóng góp của tôn giáo trong giáo dục, vì không như trước 1975 tôn giáo có đóng góp trong việc hình thành nền giáo dục nhân bản và khai phóng, bây giờ thì có thể ví như cái nồi thập cẩm, với đủ thứ yếu tố và giá trị có khi trái ngược nhau. Không ngạc nhiên khi thấy với cái nền như thế thì người ta càng sửa càng sai, và càng sai lại càng sửa, rồi loay hoay trong cái vòng tròn sai-sửa-sai bất tận. Không ai dám nghĩ đến việc sửa từ cái căn cơ của mọi căn cơ. Thầy nghe tôi nói, thỉnh thoảng gật gù, nhưng thầy không nói lên quan điểm của thầy. Tôi nghĩ thầm: ông thầy này ... khôn.
Hết chuyện giáo dục, tôi nói chuyện khoa học và Phật giáo. Đề tài này có vẻ làm cho thầy hào hứng hơn và tích cực hơn. Tôi nói về sự tương đồng giữa triết lí Phật và qui trình khoa học, về tiến bộ của neuroscience, genomics, về vai trò tâm linh và tâm lí trong y khoa, v.v. Tôi còn đề nghị vài đề tài nghiên cứu để thầy triển khai hay gợi ý cho học viên Phật học, trong đó có đề tài định lượng hoá thiền trong xã hội. Tôi khuyên thầy nên dạy về phương pháp định lượng cho các thầy Phật giáo, và cho họ làm quen với các ý tưởng cùng qui trình nghiên cứu khoa học. Tôi đề nghị một viễn kiến là biến Nguyên Thiều thành viện Phật học đẳng cấp vùng Á châu và khôi phục tinh thần Phật giáo Trần Nhân Tông. Thầy hào hứng hẳn lên, và hỏi chừng nào tôi về VN để thầy sắp xếp cho tôi giảng vài bài cho các học viên.
Nói tóm lại, hôm qua là một ngày rất có ý nghĩa của tôi trong chuyến về quê thăm ngoại và nội. Một "highlight" trong chuyến đi là gặp fan mà cũng là một người thầy Phật giáo có cùng quan tâm đến giáo dục.
Thầy Thích Đồng Thành
4/1/16: Đính chính
Hôm qua, tôi có viết một cái note về vụ trễ chuyến bay Phù Cát - Sài Gòn, và mối liên quan đến ngài Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Hôm nay, một nguồn từ NHNN liên lạc tôi và xác định rằng chuyến bay hôm qua trễ KHÔNG phải do đoàn của ngài Thống đốc, vì ông đến phi trường lúc 11:45 AM, tức trước giờ bay. Ngay cả ngài Thống đốc và đoàn của ông cũng bức xúc về sự việc trì hoãn chuyến bay, và ông rất chia sẻ với sự bức xúc của hành khách trong chuyến bay đó.
Do đó, tôi viết thêm cái note này để NHNN đính chính và minh định rằng (a) chuyến bay trễ là do lỗi phía Vietnam Airlines, và (b) ngài Thống đốc cũng đau khổ như tôi và các hành khách khác.
TB: Cũng xin nói thêm là NHNN hoàn toàn KHÔNG có yêu cầu tôi làm gì cả; họ chỉ giải thích sự việc, và tôi thấy thuyết phục. Nói như người phương Tây là "I tell the truth, the whole truth, and nothing but the truth" (tôi nói sự thật, nguyên sự thật, và không có gì khác ngoài sự thật). Xin các bạn hiểu cho!
https://anhbasam.wordpress.com/2016/01/03/6373-quyen-luc-va-dac-nhan-tam/
6/1/16: Đà Lạt buổi sáng
Đã hơn 40 năm rồi tôi mới ghé lại nơi có thời được ví von là "thành phố sương mù" này. Cái ấn tượng đầu tiên tôi có khi đến đây là thành phố này không còn là một Đà Lạt chậm chạp và trầm tư như ngày xưa nữa, mà đã bị "sài gòn hoá" rồi.
Nếu tìm được một điểm để nói về sự "thay da đổi thịt" của đất nước thì tôi sẽ chọn con đường từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Đó là một đoạn quốc lộ có thể nói là đạt tiêu chuẩn quốc tế về xây dựng. Đó cũng là một con đường tốt nhất so với tất cả những con lộ tôi đã đi qua từ Bắc chí Nam. Đó cũng là một con đường đẹp nhất của VN, băng ngang qua những rừng cao su, rừng thông vi vút, và chập chùng đồi núi, thật đúng với câu "tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam / Trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình".
Nhưng hiểm nguy lúc nào cũng trực chờ trên con đường tốt này. Có lẽ vì đường tốt, nên những chiếc xe tải, xe đò lao nhanh và lấn đường đến chóng mặt. Có những giây phút tôi chỉ nhắm mắt vì không dám nhìn hai chiếc xe đang chạy ngược chiều trên cùng một làn xe và chỉ cách nhau vài mét thì họ mới "nhường" nhau. Ngay cả trên những con đường ngoằn ngoèo ôm quanh núi mà họ cũng phóng nhanh, cực kì nguy hiểm. Tài xế ở đây phải nói là kinh khủng, họ có vẻ chẳng biết hiểm nguy là gì, họ cũng chẳng cần tỏ ra có trách nhiệm với hàng chục hành khách trên xe. Phải đi trên những con đường này mới thấu hiểu những con số thống kê về tai nạn giao thông ở VN.
Tôi đến Đà Lạt vào buổi tối. Trời mùa đông, chỉ mới 8 giờ nhưng trời tối lắm, nhìn hai bên đường chẳng thấy gì. Buổi sáng đứng trên tầng cao của khách sạn nhìn xuống thấy nhà cửa "lởm chởm" chẳng khác gì Sài Gòn. Những mái tole rỉ sét bên cạnh những mái ngói đỏ au và những mái ngói rêu phong, chúng ta có cảm tưởng như là thành phố mới hay đang ra khỏi cái nghèo. Cảnh này rất khác với Đà Lạt của hơn 40 năm trước, nhưng chưa biết sự khác biệt theo chiều hướng nào thôi.
Buổi sáng xuống ăn sáng để trải nghiệm xem sao. Khách sạn khá to, nhìn khá vắng khách. Chỉ khoảng hơn chục thực khánh đang ăn uống và họ không ồn ào, tôi thấy yên tâm. Cô tiếp viên đòi "phiếu ăn sáng" nhưng tôi không mang theo. May phước, cô cho tôi ân huệ được vào phòng. Món ăn nghèo nàn, sơ sài, không ngon. Món mì quảng mà tôi cứ ngở là món bún riêu. Bánh mì chẳng cái nào ra cái nào. Trái cây quá bèo. Xứ sở của cà phê mà họ cho khách dùng cà phê ... bột. Xứ của trà mà họ cho khách uống trà lipton! Hết biết.
Cái khách sạn này coi hiện đại bề ngoài vậy đó, chứ bề trong nó vẫn còn cái phong cách và tư duy XHCN lắm. Họ giữ passport! Họ phát phiếu ăn như thời bao cấp. Cách phục vụ cũng thế, cả đống tiếp viên đứng xớ rớ, nhưng khi hỏi xin một li cà phê họ bèn chỉ cái bàn self service chứ không chịu phục vụ khách. Biết là mình đang ở một khách sạn của Nhà nước quản lí nên tôi không dám kì vọng gì ở họ cả. Ở đây, họ là thượng đế, khách là nô lệ được thượng đế ban phát ân huệ.
Buổi sáng Đà Lạt rất dễ chịu. Nhiệt độ chắc cỡ 17-20 là cùng, nhưng ai cũng mặc áo lạnh cứ như là mùa đông bên Tây. Đường lộ đầy xe gắn máy và họ cũng "loạn nhịp" y như ở những đô thị khác ở VN. Phụ nữ lái xe gắn máy còn đeo thêm cái khẩu trang như những người ở Sài Gòn. Họ ăn mặc nói chung là lam lũ chứ không có dấu hiệu gì của một địa điểm thanh lịch. Hết rồi những nàng Đà Lạt e ấp, má đỏ hây hây, và tinh tế. Hết rồi một Đà Lạt mộng mơ để Lam Phương viết "Thành phố buồn", và cũng khó tìm "đồi thông vi vút nghe chừng lá động muôn phương." Đà Lạt bây giờ hối hả lắm.
Nhìn những người cưỡi xe và những cái áo lạnh made in China ở đây và dòng xe gắn máy tôi cứ tưởng mình đang ở Hà Nội hay một thị xã nào đó ngoài Bắc.
Trung tâm thành phố Đà Lạt ngày nay
7/1/16: Nhạc quán Diễm Xưa
Tối nay, qua sự đưa đường chỉ lối của các bạn, tôi đi nghe nhạc ở nhạc quán Diễm Xưa. Đó là một không gian nhỏ nhưng ấm cúng và khá chuyên nghiệp.
Các nghệ sĩ ở đây tôi đoán là dân tài tử, những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, v.v. (Tức là những dòng nhạc "favorite" của tôi.) Tuy có vẻ là ca sĩ tài tử, nhưng họ chơi nhạc tuyệt vời. Chỉ với hai cây đàn guitar và một sân khấu nhỏ, họ có khả năng làm mê hoặc khán giả và đưa họ về miền quá khứ với những ca khúc bất hủ như Biển nhớ, Phôi pha, Níu tay nghìn trùng, Diễm xưa, Hạ trắng, Cây đàn bỏ quên, Như chiếc que diêm, v.v.
Nhạc quán Diễm Xưa
Tôi đặc biệt ấn tượng với người chơi đàn guitar (hình như tên là Đức Trọng). Trong suốt buổi trình diễn, anh đệm đàn cho hầu hết ca sĩ, và bài nào cũng hay. Suốt hơn 2 giờ đồng hồ, anh không phạm một tiếng đàn "lép" nào cả! Anh chơi đàn một cách điệu nghệ, thả hồn theo tiếng đàn và giọng hát, đúng với phong cách của một virtuoso.
Phần lớn khán giả là người trung niên và đứng tuổi. Khỏi nói cũng có thể đoán được họ đến đây để thưởng thức những dòng nhạc của một thời xa xưa, hay tìm về kỉ niệm thời sinh viên và học sinh trước 1975. Chỉ cần nhìn họ say mê thưởng thức nhạc cũng có thể đoán họ là những khán giả có trình độ văn hoá tốt.
Nhưng thật không may mắn vì có 2 người đàn ông hết sức mất lịch sự và vô giáo dục. Hai người này liên tục gây phiền nhiễu cho ban nhạc và khán phòng, vì họ nói chuyện lớn tiếng trên điện thoại. Họ còn mở loa để nói chuyện với con của họ ở nhà! Họ nói giọng bắc. Nhìn cách ăn mặc thì họ có vẻ là quan chức nhà nước. Những người này đi đâu cũng gây nhiễu. Chẳng hiểu họ vào đây để làm gì. Cũng may là họ chỉ nghe vài bài rồi bỏ đi.
Nói tóm lại, tôi đã có một buổi tối đẹp ở thành phố sương mù. Lâu lắm rồi mới có dịp thưởng thức một chương trình nhạc có ý nghĩa và sâu lắng như thế này. Có thể xem đây là một "highlight" của chuyến đi và một kỉ niệm đẹp trong đời:
Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố
Trong lòng bổng vui như đời rất lạ
Tôi tìm thấy tôi theo từng gót xa.
10/1/16: Kiên Giang
Cuộc đời đúng là như những chuyến đi. Sáng ở Đà Lạt, chiều đã đến tuốt Rạch Giá! Chuyến về quê lần này gợi nhiều kỉ niệm. Hôm qua tôi có cơ duyên đi dự buổi tiệc tất niên của Ban bảo vệ sức khoẻ (?) và gặp lại rất nhiều bạn bè ở bệnh viện Kiên Giang. Ai cũng nhớ đến tôi, và đến chào hỏi, rồi ai cũng hỏi sao không thấy bác sĩ Nguyên về.
Rạch Giá buổi sáng
Mấy năm trước đây (không nhớ năm nào nữa) Nguyên và tôi có dịp về tận đây để làm 2 workshop về loãng xương và nghiên cứu khoa học. Từ đó, bệnh viện đầu tư mua một máy DXA phục vụ cho việc chẩn đoán. Hai lần đó có đến hàng trăm bạn từ bệnh viện và các huyện về dự, và vì thế tôi quen với nhiều người. Hôm nay gặp lại và hỏi han mới biết đã có người nghỉ hưu, người sắp nghỉ hưu, người mới về bệnh viện, v.v. Bệnh viện cũng đã có giám đốc mới, trẻ hơn, nhưng anh cho biết công việc điều hành một bệnh viện 1500 giường làm anh đau đầu hơn và mau già hơn. Khổ thế mà có khối ứng viên cho cái chức này.
Tôi biết được một phần cái khổ này khi ngồi gần một bậc trưởng thượng từng là sếp ban tổ chức của tỉnh (thời Ba Dũng). Buổi tiệc có gần 300 người từ mọi ban ngành và các huyện và tỉnh lân cận về dự. Suốt hai giờ đồng hồ, liên tục có người từ các ban ngành và huyện đến chào bác ấy, và họ chào bằng ... bia. (Dân miền Tây mà!) Vì tôi ngồi cạnh bác ấy, họ tưởng tôi là sếp bự từ tỉnh bạn, nên họ cũng chào tôi luôn, và thế là tôi vô tình lãnh đủ. Thật là đau khổ, nhưng không có đường rút lui. Tôi nghĩ chắc mình sẽ "bại trận" tại đây, thì may quá, có anh hiệu trưởng trường cao đẳng y tế đến cứu kéo ra khỏi vòng vây.
Có dự những buổi tiệc như thế này mới thấm được cái "chủ nghĩa thân hữu" ở VN. Có thể nói mọi người ở đây là dân elite của tỉnh nhà, họ là những người giữ trọng trách của tỉnh. Họ đều quen biết nhau qua nhiều kênh, và sinh hoạt trong cùng một "bộ lạc". Cái bộ lạc đó có những qui ước và qui định chung mà thành viên phải biết và tuân theo. Họ là những anh ba, chị bảy, thím hai, chú sáu, v.v. Ngay cả cách gọi thân mật (anh, chị, chú thím) như thế chúng ta cũng có thể hình dung ra một network các mối liên hệ giữa thành phần elite như thế nào. Tôi khâm phục bác sếp ngồi cạnh tôi vì ông nhớ hết từng người và cả thân nhân họ khi có người đến chào. Chẳng hạn như có em kia là một quan chức huyện đến chào "chú hai! Chú nhớ con không?" Chú Hai nhớ ngay, hỏi thêm "mày là em con Xuân phải hông", người kia gật đầu rồi báo cáo người tên Xuân mới lên bí thư, và ... cụng bia. Ở Úc cũng có chủ nghĩa thân hữu trong giới elite, và họ có thể bàn việc trên bàn tiệc, thì ở đây cái chủ nghĩa đó được nâng cao thành một nấc thành chủ nghĩa gia đình. Thật vậy, có thể nói rằng hệ thống điều hành công việc của tỉnh là những người trong gia đình và thân tộc. Một khi một thành viên mới vào cái đại gia đình này thì cũng có nghĩa là cái gia đình đó được mở rộng, không chỉ trong tỉnh mà còn lan ra ngoài tỉnh khác.
Tôi nghĩ cái chủ nghĩa gia đình có cái hay nhưng cái dở chắc nhiều hơn. Cái hay là vì quen biết nhau, nên những khó khăn, gút mắc có thể được giải quyết nhanh và gọn. Một sự ách tắc đâu đó có thể giải quyết chỉ bằng một cú điện thoại. Nhưng tôi nghĩ cái chủ nghĩa này sẽ nảy sinh ra những ước lệ, và tiền lệ. Nhiều tiền lệ sẽ trở thành truyền thống. Nhưng điều hành công việc ở qui mô lớn và có hệ thống không thể dựa vào ước lệ được. Trong gia đình thì có thể sắp xếp ưu tiên dựa vào anh ba, chị bảy, thím hai, nhưng với một chính quyền hay đại công ti, thì những thứ tự theo kiểu anh ba-chị bảy-thím hai sẽ khó thành công về lâu dài được.
Nhưng cái văn hoá anh ba-chị bảy-thím hai và chủ nghĩa thân tộc đã ngấm sâu và lâu vào hệ thống chính quyền ở VN. Ở qui mô tỉnh, thật khó nghĩ đến một viễn cảnh cái văn hoá này được thay thế bằng một hệ thống pháp trị.
11/1/16: Đại học Kiên Giang
Ngày nào cũng đi ngang đây, mà mãi đến hôm kia tôi mới có dịp ghé thăm Trường đại học Kiên Giang (KGU). Trường mới được thành lập 2 năm nay, từ một phân viện của Đại học Nha Trang. Khuôn viên KGU rộng đến 100 ha, hình thành từ đất làm ruộng trước đây. Trong tương lai, trường cao đẳng kĩ thuật cũng sẽ (hay đã?) dời về đây, với hi vọng xây dựng thành một làng đại học.
Vì còn trong quá trình xây dựng nên toàn cảnh của Trường còn rất bề bộn. Những toà nhà đã và đang mọc lên, nhưng hơi manh mún, và có vẻ thiếu qui hoạch (?). Những toà nhà hình hộp tiêu biểu cho các văn phòng hành chính chứ thiếu kiến trúc của một trung tâm văn hoá và học thuật. Những toà nhà mới xây chỉ vài tháng mà đã xuống cấp thê thảm, tường bị nứt, gạch bị bể vỡ rất nhiều nơi, có phòng nhện giăng tơ, v.v. Cỏ dại mọc um tùm ở những chỗ chưa được sử dụng. Muốn đi từ toà nhà này sang toà nhà khác phải dùng xe, chứ đi bộ rất xa và cực nhọc.
Hiện nay, Trường mới có 1600 sinh viên thuộc 4 khoa chính. Các sinh viên chỉ mới tuyển vào năm ngoái và tập trung trong các ngành như kĩ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, Khoa học môi trường, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kế toán, Bảo vệ thực vật, Ngôn ngữ Anh. Mới đây, trường được phép thành lập khoa y!
Tuy số sinh viên chưa đông, nhưng Trường rất thiếu giảng viên, thiếu trầm trọng. Cũng dễ hiểu, vì Trường mới mà lại xa "kinh thành" nên việc thu hút nhân tài về đây là một thách thức lớn. Hiện nay, một số giảng viên được Đại học Nha Trang chi viện, nhưng chẳng biết tình hình kéo dài đến bao lâu. Quả thật, việc tuyển dụng giảng viên cho Trường tôi thấy rất nan giải.
Nhìn chung, KGU là một trong những sản phẩm của chính sách giáo dục đại học trong nước. Một đặc điểm của trào lưu này là địa phương chủ nghĩa và cạnh tranh giữa các vùng miền. Tại sao cái tỉnh lân cận có đại học mà tỉnh mình không có? Một đặc điểm khác của chính sách đó là chú trọng đến lượng, mà ít quan tâm đến phẩm chất học thuật. Trong thời gian qua, xu hướng này đã cho ra hàng loạt đại học mà hiệu quả là làm đẹp con số thống kê về giáo dục hơn là đóng góp vào học thuật và khoa học. Có thể nói rằng số đại học ra đời nhiều hơn là số giảng viên có thể cung ứng, thành ra dẫn đến tình trạng thiếu thầy mà thừa trò như hiện nay.
Tôi không gặp anh hiệu trưởng (vì anh ấy đang ở Hà Nội chúc Tết), mà chỉ gặp anh phó hiệu trưởng. Gặp trong phòng vẫn còn cái banner về lễ kết nạp đảng viên, bốn bề gió lộng. Anh này cỡ tuổi tôi, bắc kì 54, chọn ở lại phục vụ quê hương trong khi bà xã và con đi định cư bên Mĩ. Chúng tôi có nhiều suy tư chung về học thuật, nhưng không có gì nhiều để chia sẻ do công việc chính của anh là xây dựng cơ sở và giảng dạy. Tôi nói về viễn kiến của KGU mà cũng phải mở ngoặc là thì tương lai xa. Tôi nghĩ Trường nên tập trung giảng dạy cho tốt, đừng nghĩ đến nghiên cứu khoa học hiện nay, nhưng nên liên kết với một trường "đang lên" ở Sài Gòn để xây dựng năng lực đào tạo.
Anh ấy hỏi tôi về cơ hội hợp tác với các trường bên Úc, tôi nói thật là xác suất gần 0. Lí do là trường có tiếng trên thế giới không muốn hợp tác với các trường VN (vì ảnh hưởng xấu đến việc xếp hạng của họ), huống chi là trường mới như KGU. Tuy nhiên, ở mức độ cá nhân, tôi phải suy nghĩ cách thức để giúp cho Trường, có thể là dưới hình thức tech transfer ở đây trong năm tới ...
Kiên Giang tuy là tỉnh tương đối khá về kinh tế, nhưng giáo dục thì lại là một "vùng trũng". So với các tỉnh lân cận như An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, thậm chí Trà Vinh thì dân Kiên Giang "ít chữ" nhất. Có người đổ thừa là vì tỉnh có gần 20% dân số là người dân tộc, nhưng tôi thấy không thuyết phục. Tôi nghĩ vì suốt mấy mươi năm thiếu đầu tư cho giáo dục nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Do đó, tôi nghĩ Trường nên tập trung đào tạo về sư phạm, nông nghiệp và thuỷ sản, chứ không nên cạnh tranh với các trường khác về công nghệ thông tin. Ngay cả ngành nông nghiệp, KGU cũng khó thu hút sinh viên khi trường Cần Thơ chỉ cách đó có 70 km. Cũng chẳng cần thi đua xếp hạng làm gì cho tốn sức, chỉ cần trước mắt xây dựng cơ sở hạ tầng và năng lực giảng dạy cho tốt thôi. Ngay cả hai khía cạnh đó cũng đã là một thách thức lớn. Thôi thì chỉ biết hi vọng vào sự lèo lái của ban giám hiệu để Kiên Giang có một trung tâm đào tạo đàng hoàng.
Ps: Hình chụp với anh phó hiệu trưởng Trương Minh Chuẩn. Đến thăm trường mà chẳng giảng cũng chẳng có quà cáp gì cả làm tôi hơi ngượng. Thôi thì tặng trường một cuốn sách "best seller" của tôi vậy.
12/1/16: U Minh thượng
Hôm nay tôi có một chuyến đi rất ý nghĩa: về U Minh thượng. Đã gần 40 năm rồi, tôi mới quay lại vùng đất rất hay này. Mọi sự đã thay đổi đến độ tôi không nhận ra những nơi mình đã đi qua. Tiếc là không có bạn già Nicholas đi để làm một chầu với dân địa phương!
U Minh thượng là một phần vườn quốc gia U Minh. Phần U Minh hạ là do tỉnh Cà Mau quản lí, còn U Minh thượng thuộc quyền quản lí của Kiên Giang. Chỉ riêng U Minh thượng, diện tích đã là 21000 ha. Nhìn toàn cảnh là rừng lá bạc ngàn và kênh rạch chằng chịt. Đây là quê hương của rất nhiều loài chim, dơi, quạ, heo rừng, rái cá, kì đà, cá sấu, khỉ, v.v. Vùng này còn được xem là một di sản của Á châu, một địa chỉ quan trọng về sinh vật tự nhiên và sinh thái.
Tôi có cơ duyên ghé qua đây gần 40 năm về trước trong một chuyến công tác. Thời trước 1975, chỉ nghe đến hai chữ "U Minh" là tôi tưởng tượng đến một vùng đất xa xôi, u minh thâm sơn cùng cốc, chứ có ngờ đâu nó chỉ cách Rạch Giá khoảng 90 phút lái xe. Sau 1975, cơ hội đến tay khi có một chuyến công tác về đó. Tôi hăm hở lên đường (thời còn trẻ mà, hăng hái lắm), sách giấy sẵn sàng, định là vừa đi vừa viết lại những trải nghiệm cá nhân. Nhưng hỡi ơi, chuyến đi rất ư vất vả, vì phải đi bằng vỏ tắc ráng, do lúc đó chưa có đường lộ như ngày nay. Phải đi qua sông Cái Bé, rồi sông Cái Lớn mênh mông, và rẽ qua kênh Xẻo Rô, kênh Thứ 11 (?) về Miệt Thứ. Thời đó, hai bên sông rất ít nhà dân, xa xa mới có một cái chòi tạm bợ, còn nhà thì chỉ là nhà lá, trông rất thô sơ. Không có điện. Chẳng có phone. Nói chung là đúng như vùng cùng cốc. Chẳng ghi chép được một dòng chữ nào cả. Phải về đến Rạch Giá mới định thần viết hai bài cho Đài tiếng nói VN và báo ... Nhân Dân! Thời đó dĩ nhiên là không có nhuận bút.
Còn lần này đi U Minh thì hoàn toàn khác và hiện đại hơn. Xe hơi chạy bon bon từ Giồng Riềng đi Minh Lương, qua Tắc Cậu, băng qua hai cây cầu sông Cái Bé và Cái Lớn, tiến thẳng về An Minh, An Biên và U Minh thượng. Đi một lèo chỉ khoảng 90 phút. Vùng Miệt Thứ ngày nay không còn là "muỗi kêu như sáo thổi" đâu, mà đã thành một đô thị như bao nhiêu đô thị khác ở VN. Hai bên đường là nhà cửa mọc lên, nhưng phần lớn là nhà gạch chứ không phải nhà lá như xưa. Phố xá cũng hình thành khắp nơi. Điện về kéo theo ánh sáng văn minh và những dịch vụ giải trí, kể cả ... karaoke. Phải nói là vùng đất này đã khá hẳn lên, người dân có vẻ có cuộc sống thoải mái hơn trước đây. Xin nhấn mạnh là so với trước đây, chứ so với nông dân Thái Lan thì đây vẫn là vùng đất nghèo khó. Tuy nhiên, nói gì thì nói, nhìn thấy sự sung túc của người dân hai bên đường, tôi có lí do để vui trong lòng.
Xe chúng tôi đến U Minh vào lúc 10 giờ sáng. Tuy mới 10 giờ nhưng cái nắng đã oi bức, dù đứng giữa cánh rừng bạc ngàn màu xanh. Tuy đây là vùng sinh thái và đa dạng sinh học, nhưng tôi chẳng thấy con vật nào cả (dĩ nhiên). Những con kênh đầy bèo và lục bình, nếu nhìn từ xa sẽ không biết là kênh rạch! Nếu có xuồng thì khách có thể khám phá rừng U Minh rất thú vị. Nhưng không may cho chúng tôi là dịch vụ xuồng chưa có nên chúng tôi chỉ ... nhìn từ xa.
U Minh thượng có hồ Hoa Mai (vì nó giống như hoa mai khi nhìn từ trên không). Đó là một cái hồ nhỏ, nước ngã màu vàng, nhưng dưới hồ nghe nói có nhiều cá. Chung quanh hồ, nhà chức trách cho lót lộ và xây những cái chuồng cho khỉ, kì đà, rắn, trăn. Khu này có quán ăn phục vụ khách, và một tiệm bán đồ lưu miệm. Tuy nhiên, khi tôi đến đây thì chẳng có khách nào cả, và hàng quán thì trống trơn. Toàn cảnh rất im lìm, tĩnh mịch.
Nhìn cảnh chung quanh tôi nghĩ đây là nơi có tiềm năng du lịch rất tốt. Đây mới là khu du lịch sinh thái thật sự (chứ không phải những nơi fake). Đây là nơi mà du khách có thể trải nghiệm văn hoá sông nước, có dịp chèo xuồng vào những con rạch xanh rì và chằng chịch, cảm nhận được cái âm hưởng rừng nước độc đáo ở miền Nam.
Nhưng để thu hút du khách đến đây, tôi nghĩ chính quyền và ban quản lí phải làm rất nhiều. Trước hết là phương tiện đi lại cần phải trang bị cho tốt và an toàn. Tôi nghĩ tại sao không dùng những chiếc xe chạy trên nước cho khách khám phá U Minh. Nếu không dùng xe thì dùng xuồng. Kế đến và quan trọng nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng cho chỉnh chu, nhưng phải giữ cho được cái bản sắc Nam bộ. Những cây cầu xi măng giả gỗ (cây) thật là vô duyên và phản cảm! Nó thể hiện thói làm dỏm, làm cho có, ăn xổi của những người làm ra nó. Thậm chí, tôi nghĩ nên xây một khách sạn ở đây để khách ở qua đêm và trải nghiệm cái không gian rừng nước về đêm.
Phải chú tâm đến nhà vệ sinh, chứ không nên cho khách dùng "nhà vệ sinh thiên nhiên". Đi du lịch ở VN, nỗi ám ảnh kinh hoàng nhất của du khách là nhà vệ sinh. Cái đất nước gì mà chỉ lo bề ngoài, bề mặt, còn đằng sau thì dơ dấy kinh khủng. Có lẽ đây cũng là thói quen của người Việt, chỉ quan tâm đầu vào mà chẳng cần biết đến đầu ra. Hệ quả là cái cầu tiêu của các nhà hàng đều rất kinh hoàng. Nếu U Minh thượng cần du khách thì phải "giải quyết" vấn đề cầu vệ sinh.
Nhưng sẽ chẳng có khách nào ghé đây nếu không có một chiến lược marketing. Về cái khoản này tôi sợ là Kiên Giang làm quá dở. Kiên Giang có Hà Tiên đẹp vậy mà có bao nhiêu du khách ghé đó. Thật ra, tôi rất ngán ghé Hà Tiên vì sợ bị chặt chém và ... rác. Rác ở Hà Tiên mỗi khi có dịp lễ hội là kinh khủng. Tôi thường nói đùa là Hà Tiên giờ thành "Hà Rác". Ấy thế mà các quán tiệm ở đây rất hăng trong việc chặt chém du khách chẳng khác gì cách làm du lịch lưu manh ở Vịnh Hạ Long. Năm 2016 là năm du lịch của tỉnh Kiên Giang, hi vọng sẽ có một sự tiến bộ.
Xong U Minh thượng, chúng tôi về An Minh và gặp các bạn "thổ địa" trong bệnh viện huyện. Các bạn ở đây quả là hiếu khách, đã đãi chúng tôi một chầu tiệc thật khó quên. Toàn là đặc sản địa phương U Minh. Cá thì câu trong rừng. Trái cây thì hái từ vườn xuống. Rượu đế thì ngâm với trái cây rừng, rất đậm đà, hơn Sake cả trăm năm ánh sáng. Chúng tôi đã có một bữa tiệc no nê và ngon. Tôi vốn nhớ bạn hiền, nên cứ tiếc là bạn Nicholas không có mặt để chia sẻ đặc sản U Minh. Thôi, hẹn tháng 7 sẽ cùng bạn hiền quay lại đây (sau hội nghị LX) để trải nghiệm thêm một lần nữa.
Một con rạch ở U Minh bị lục bình phủ kín
Động vật quí hiếm ở U Minh
Đu đủ U Minh
13/1/16 Đen như manh áo buồn chưa quen
Hôm 12/1 có dịp ghé qua Cần Thơ thăm bạn bè. Ngày nay, đi từ Kiên Giang đến Cần Thơ chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ thôi, do đường xá được xây dựng và mở rộng khá tốt. Ban đêm cùng bạn bè nhâm nhi cà phê, tôi thấy Cầu Cần Thơ được trang trí bằng đèn, mà nhìn từ xa cũng thấy lung linh lắm, nhưng cái giàn đèn đó đến với chúng ta với cái giá làm nhiều người kinh ngạc: 30 tỉ đồng. Ba chục tỉ đồng là tương đương với 1.5 triệu USD! Nhưng cách đó không xa là một quán ăn khác thì xin tiền lẻ của khách cho bệnh nhân nghèo. Tức cảnh với ca khúc có câu:
Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen
Đen như manh áo buồn chưa quen
Đen như manh áo buồn chưa quen
Cầu Cần Thơ và dàn đèn 30 tỉ đồng
15/1/16: Công thức hoá
Hôm nọ tôi có dịp xem qua danh sách hơn 290 đề tài nghiên cứu y khoa ở một đại học y (trong vòng 2 năm), và điều làm tôi sững sờ là tựa đề của luận văn. Trong danh sách 293 luận văn, tất cả đều bắt đầu bằng động từ "Nghiên cứu"! Xin nhắc lại là 293/293 luận văn đều bắt đầu bằng cái chữ "sang trọng" đó!
Thật kinh khủng! Điều khác làm tôi kinh ngạc là sự giông giống nhau giữa các luận văn. Chưa đọc nội dung (vì thì giờ đâu mà đọc), nhưng chỉ đọc qua tựa đề là thấy 293 nghiên cứu đều tập trung vào 4 khía cạnh chính:
(a) Nghiên cứu đặc điểm
(b) Nghiên cứu tình hình
(c) Nghiên cứu thực trạng
(d) Nghiên cứu giá trị
(b) Nghiên cứu tình hình
(c) Nghiên cứu thực trạng
(d) Nghiên cứu giá trị
Có luận văn thì dài dòng hơn chút, như "Nghiên cứu lâm sàng, cận lâm sàng, nguyên nhân và kết quả ...". Nhưng tất cả đều rập khuôn như thế. Tôi đoán là phải có qui định gì đó, nên mấy em sinh viên và nghiên cứu sinh mới đặt những tựa đề như thế. Nếu quả thật có qui định cả về đặt tựa đề thì đó cũng là một hình thức giết chết tính sáng tạo của sinh viên.
Ở VN, sợ nhất là sự rập khuôn. Cái gì cũng ra qui định, và qui định rất máy móc, thậm chí định lượng bằng con số. Ví dụ như qui định tài liệu tham khảo của luận án phải là 70, hay số trang luận án phải từ 100 đến 150 trang. Những qui định này chẳng có cơ sở khoa học nào cả, mà nó như là con số rơi từ trên trời. Cái khổ là những kẻ ra qui định đó bắt mọi người phải làm theo; không làm theo là bị phạt. Hệ quả là người thi hành phải cấm đầu cấm cổ tuân thủ một cách nghiêm ngặt theo những qui định có khi vô lí và vô duyên. Tôi gọi đó là sự "công thức hoá" suy nghĩ. Khoa học mà công thức hoá thì làm sao sáng tạo được. Thành ra, sự rập khuôn hay công thức hoá nó có thể làm cho con người trở thành cái máy, mà cái máy thì không cần suy nghĩ.
16/1/16: Giở chồng báo cũ
Hôm nay, nhân dịp rảnh sau giờ giảng, tôi lang thang xem triển lãm "Giở chồng báo cũ". Tưởng là sẽ được xem một cuộc triển lãm đầy đủ về lịch sử nền báo chí VN, ai dè cuộc triển lãm chỉ phản ảnh một góc nhỏ của báo chí trong 150 năm qua.
Không có một tờ nhật báo nào ở miền Nam trước 1975. Phần lớn là tập trung vào những tờ báo cách mạng, và mang đậm tính tuyên truyền. Thật ra, nhìn toàn cảnh thì cuộc triển lãm chỉ là một show tuyên truyền.
Lật những trang báo cũ của Nhân dân, Quân đội nhân dân, Giải phóng, Sài Gòn Giải Phóng, v.v. cứ như là một chuyến ngược về quá khứ của những năm 1975-1978. Rất nhiều bài ca ngợi chế độ mới, vững tiến lên XHCN, chửi Mĩ Nguỵ, quân lính VNCH hối hận chuộc lỗi, trí thức yêu nước, đại hội đảng. Có cả những bài phỏng vấn đồng chí Pol Pot, bài VN treo cờ rủ khi Mao Trạch Đông chết. Những chồng báo cũ này tuy mang tính tuyên truyền nhưng chúng cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn quá trình tiến hoá của đất nước và thể chế.
Một góc quang cảnh triển lãm
Tội ác của "Mĩ Nguỵ"
Lập thành tích dâng đảng
Thờ Mao chủ tịch
Lời dạy của Hồ chủ tịch
Hahaha
Chửi Thiệu
Chửi luôn Phát Chánh Hi
"Ngân hàng ta"
19/1/16: Đại học Nguyễn Tất Thành
Lâu lắm rồi tôi mới có dịp nói về một chủ đề rất thiết thực cho các bạn sinh viên: những cách thức trình bày báo cáo khoa học trong hội nghị (xem hình). Nhưng lần này thì khán giả là những giảng viên, giáo sư của trường. Chỉ thấy khổ tâm một chút khi nhà trường gắn "râu ria" (gs ts) cho tôi hơi bị nhiều.
Suốt một ngày, tôi nói 4 bài trong chủ đề trên. Bài 1 là bảy bước cần thiết để soạn một báo cáo khoa học. Trong 7 bước đó, bước 1 không phải suy nghĩ về tựa đề bài báo cáo, mà là cái "money slide". Ý này làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng cuối cùng thì cũng được thuyết phục. Bài 2 là những qui ước trong cách soạn bài báo cáo dùng powerpoint. Bài 3 là về phong cách trình bày. Bài 4 là về cách làm chủ toạ phiên họp. Nói chung, cho dù các giảng viên đã được đào tạo từ các nước tư bản "giãy chết" cũng học được nhiều điều mới. Ai cũng nói là đã học nhiều điều mà các bạn ấy chưa từng biết. Có người nói đáng lẽ những lớp như thế này nên được tổ chức sớm hơn.
Qua các câu hỏi và thảo luận, tôi phát hiện có khá nhiều hiểu lầm về cách thức báo cáo trong các hội nghị khoa học. Có những qui ước tôi nghĩ là các bạn ấy biết nhưng trong thực tế lại chưa biết. Tôi còn học và biết được nhiều chuyện rất buồn cười đã xảy ra ở trong nước, một phần là do tính bảo thủ, một phần là do tính ngạo mạn của các thầy cô. Biết những chuyện nhỏ như thế mới thấy sự bất hạnh của nền giáo dục nước nhà. Chẳng biết nói gì cho "phải đạo", chỉ hi vọng mình rèn luyện một thế hệ mới văn minh, tiến bộ, và cởi mở hơn.
19/1/16: Nghĩa sĩ?
Hôm nay là ngày đánh dấu 42 năm ngày Hoàng Sa bị rơi vào tay giặc Tàu. Năm nay Nhà nước có một quyết định đáng khen, đó là khởi công xây đài tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Cuối cùng thì sự hi sinh của 74 người lính VNCH trong việc bảo vệ Hoàng Sa cũng được ghi nhận. Nhưng tôi tự hỏi tại sao lại gọi họ là "nghĩa sĩ"? Cách gọi này thể hiện một sự ... ấm ớ.
Theo từ điển Hán Việt, "Nghĩa sĩ" là "Người tài giỏi, ham chuộng điều phải". Bảy mươi bốn người lính VNCH đã anh dũng tấn công hải quân Tàu cộng khi chúng khiêu khích. Đó là một cuộc hải chiến không cân sức, nhưng những người lính hải quân VN đã can đảm đánh trả và giáng trả cho kẻ thù những đòn chí tử trước khi Hoàng Sa thất thủ. Kết cục cuộc chiến thì phía Tàu cộng có 18 người lính bị chết, 67 người bị thương; phía VN có 74 người chết. Như vậy, họ không phải là "nghĩa sĩ"; đúng ra họ là "liệt sĩ". Nếu những người lính VN bị Tàu cộng nả súng sát hại ở Gạc Ma là "liệt sĩ", thì tại sao những người con Việt hi sinh ở Hoàng Sa không phải là liệt sĩ? Hình như chữ "liệt sĩ" chỉ được dùng cho quân đội phía bên này (?).
Cách dùng từ "nghĩa sĩ" của Nhà nước cho thấy hình như họ vẫn chưa minh định được và đánh giá đúng sự hi sinh của 74 người con Việt đã hi sinh ở Hoàng Sa.
20/1/16: Bệnh viện 115
Hôm qua là lần thứ ba tôi ghé bệnh viện 115 (lần trước là năm 2012 hay 2013). Lần này ghé qua thấy bệnh viện có nhiều cái mới, nhưng hội trường thì vẫn như cũ. Tôi trình bày hai bài nói chuyện liên quan đến phương pháp chọn đề tài nghiên cứu, tiêu chuẩn đánh giá một công trình nghiên cứu đã xong, và các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y khoa.
Hoá ra những bài nói chuyện của tôi rất thời sự. Số là Bộ y tế có ra thông tư gì đó qui định nhiệm vụ của bệnh viện, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu. Nếu cá nhân nào không có nghiên cứu khoa học hay không có sáng kiến thì sẽ bị đánh giá là chưa hoàn thành nhiệm vụ, và không được xét danh hiệu "chiến sĩ thi đua"! Thế là nhà nhà, người người lao vào tìm đề tài để nghiên cứu, ngay cả điều dưỡng và nhân viên hành chính cũng ... nghiên cứu. Nếu không có đề tài nghiên cứu, họ cố nặn ra một sáng kiến nào đó để được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ. Có nhiều chuyện hài hước xảy ra trong thời gian gần đây, như điều dưỡng có sáng kiến pha xà bông giặt đồ ít tốn nước hơn, điều dưỡng nghĩ đến việc hàn cái mốc vào xe trolley để đựng kim chích, nhân viên hành chính có sáng kiến in trên giấy sao cho ít tốn giấy in hơn, v.v. Do đó, việc tôi định nghĩa thế nào là nghiên cứu khoa học là rất hợp thời nhưng cũng đồng thời hơi xa với họ (vì những gì họ làm không thể xem là "nghiên cứu").
Tôi nhấn mạnh đến thế nào là nghiên cứu khoa học qua những định nghĩa và chuẩn mực. Tôi có nói rằng những kiểm kê lâm sàng, đếm số thống kê, đánh giá, này nọ không thể xem là "nghiên cứu khoa học" vì nó không đáp ứng hai yếu tố quan trọng trong định nghĩa về nghiên cứu.
Cách đây 6 năm tôi có viết về vấn đề y đức trong nghiên cứu y khoa trên báo TT. Hôm qua tôi có dịp triển khai và giải thích những ý quan trọng trong bài viết đó. Những khía cạnh đạo đức liên quan đến duyệt đề cương nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu đã được đem ra phân tích và minh hoạ bằng những ví dụ thực tế. Tôi cũng nói về đạo đức khoa học trong công bố quốc tế như vấn nạn đạo văn và tác giả ma, tác giả quà. Tôi có nói về vụ vi phạm đạo đức trong bình duyệt liên quan đến thuốc Avandia. Hi vọng là bài hôm qua đã giúp cho nhiều bạn hiểu rõ hơn về y đức trong nghiên cứu khoa học.
Sẵn đây tôi muốn bày tỏ lời cám ơn các bạn có nhã ý mời tôi đến chia sẻ kinh nghiệm hay giảng bài. Tôi dĩ nhiên là muốn đáp ứng tấm thịnh tình của các bạn lắm, nhưng ở đây tôi không thể tự tiện đến trường các bạn để nói được. Không phải tôi đòi hỏi hay chảnh choẹ gì, mà là vấn đề làm đúng qui trình. Những người như tôi được xem là "yếu tố nước ngoài" (dù mình là người Việt 100%), nên có nói ở đâu cũng phải có xin phép (nơi mời xin phép). Đó cũng là một khác biệt giữa VN và thế giới, và mình phải chấp nhận sự khác biệt.
22/1/16: Tập san dỏm và nghi ngờ trong khoa học
Hôm nay có dịp ghé qua một lab ở một đại học tại SG rất vui. Thôi thì đủ thứ chuyện để chia sẻ, từ chuyện xin tài trợ đến chuyện tập san dỏm đang hoành hành và bủa vây giới khoa học trong nước.
Có một quan điểm của một anh bạn từng làm việc bên Mĩ là cứ để cho người trong nước công bố trên tập san predatory để tập làm công bố quốc tế và khuyến khích giới trẻ. Dù là người ngoại giao nhất, tôi cũng phản đối thẳng thừng, dứt khoát và không khoan nhượng với quan điểm này; ngược lại, tôi nghĩ phải phạt những ai công bố trên tập san dỏm, vì họ làm mất uy tín nhà trường. Tôi kinh ngạc vì anh bạn tôi là nhà khoa học, từng làm việc ở Mĩ (dù nay anh đã về VN làm việc nhiều năm), mà anh ấy có thể nói như thế! Thật khó tưởng tượng nổi. (Nhưng cuộc sống thật là ... phong phú và đa dạng).
Qua nói chuyện tôi mới biết thêm một quan điểm khác làm tôi phân vân về văn hoá khoa học trong nước. Đó là có ý kiến quan ngại khi gửi sinh phẩm (ví dụ như DNA) ra nước ngoài để phân tích. Họ sợ rằng khi lab nước ngoài phân tích và phát hiện gen nào đó (ví dụ như gen hung dữ) thì sẽ bất lợi cho VN. Phải nói là tôi kinh ngạc trước suy nghĩ này! Kinh ngạc là vì tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện đó.
Thứ nhất là hình như có vấn đề về văn hoá khoa học. Thử tưởng tượng, nếu một lab nước ngoài (như Viện Garvan) phân tích DNA từ người Việt thì họ phải biết cái điều căn bản nhất của văn hoá khoa học là họ KHÔNG được sử dụng dữ liệu của khách hàng. Vi phạm qui ước này thì ai dám làm việc với họ nữa. Do đó, không có chuyện lab nước ngoài dùng dữ liệu của khách hàng nếu không có phép của khác hàng. Dùng dữ liệu của người ta mà không xin phép là ăn cắp rồi. (Lab đàng hoàng thì không có chuyện ăn cắp). Nhưng sự nghi ngờ của phía VN cho thấy vài người ở VN có vấn đề về văn hoá khoa học: không tin tưởng vào đồng nghiệp nước ngoài. Hay là người ta "suy bụng ta ra bụng người"? Làm khoa học mà thiếu tin tưởng thì khó làm được việc lớn.
Thứ hai là cho dù lab nước ngoài có kết quả phân tích gen thì họ cũng KHÔNG làm gì được với dữ liệu đó. Nếu không có dữ liệu về phenotype thì một đống genotype chỉ là những dữ liệu vô dụng và không hồn. Vả lại, vấn đề đâu phải là người Việt mình có hay không có gen nào đó (vì ai cũng có), mà là biến thể trong cái gen đó; chúng ta khác nhau là khác ở biến thể — variant — chứ có phải khác nhau về gen đâu. Biến thể mà không có đặc tính lâm sàng thì có nói lên điều gì đâu. Ngay cả có dữ liệu lâm sàng hay phenotype cũng chẳng ai dám nói điều gì khẳng định! Do đó, quan điểm sợ người ngoài biết về mình là không có cơ sở, có lẽ do chưa am hiểu vấn đề sâu hơn.
Nhưng qua những tiếp xúc và trò chuyện như thế này tôi mới cảm thông hơn những khó khăn trong việc duyệt đề cương nghiên cứu và làm khoa học ở VN. VN cần những người am hiểu khoa học và có suy nghĩ cởi mở hơn.
24/1/16: Li cà phê đắng
Sáng nay có hẹn với một anh bạn ở Quận 1 văn minh tráng lệ. Trong khi chờ, tôi lang thang vào một quán cà phê xem cũng bình dân, nhưng cái bill cho một li cappucino là 85000 đồng. Li cà phê trở nên đắng nghét. Giá cả ở khu này còn mắc hơn cả bên Úc! Không biết khách ở mấy quán như thế này là ai mà có nhiều tiền thế.
Cám ơn và hẹn gặp lại
Chỉ còn vài giờ nữa là tôi bay về quê hương thứ hai. Chuyến đi 4 tuần chủ yếu là thực hiện workshop phân tích dữ liệu 12 ngày ở TDTU, nhưng tôi cũng có dịp trò chuyện hoặc giảng đó đây ở ĐH Y Dược, Bv 115, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Hiến, và vài nơi khác tôi chỉ ghé qua vài giờ. Tôi muốn nhân dịp này cám ơn lòng hiếu khách của các bạn ở các trường trên, và các bạn ở Kiên Giang, Cần Thơ, Lâm Đồng, Dak Lak. Có quá nhiều ý tưởng, có rất nhiều việc phải và sẽ làm trong tương lai, nhất là năng lực nghiên cứu. Hẹn các bạn một dịp gần để chúng ta sẽ làm tiếp những việc còn dang dở.
Thế là khoá học phân tích dữ liệu đã xong. Tôi nghĩ cả học viên và người hướng dẫn đều có thể nói là "hoàn tất rất tốt". Tất cả đều diễn ra như chương trình (dù có chút dồn nén kiến thức), và chúng ta đều ở lại đến ngày cuối cùng. Người Úc có câu "truth believer" để đề cập đến những ai có lòng tin vào sự thật và kiên trì. Các bạn học viên trong khoá học data analysis chính là những truth believers vậy
Tôi phải cám ơn rất nhiều người đã làm nên khoá học này. Trước hết là sự ủng hộ của hơn 200 học viên từ 17 tỉnh thành và vài nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Không có các bạn thì làm sao có khoá học được.
Kế đến là cám ơn các bạn phụ giảng Trần Sơn Thạch và Hà Tấn Đức. Một mình tôi thì không thể nào giảng hết 45 bài, nên sự giúp đỡ của các bạn là rất quan trọng với tôi. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các bạn trợ giảng của Đại học Tôn Đức Thắng cũng rất quí báu cho sự thành công của khoá học.
Sau cùng là ban tổ chức và hậu cần của ĐHTĐT đã "chăm sóc" tôi và các trợ giảng quá ưu ái. Như các bạn thấy đến ngày thứ 7 thì tôi bị cảm, nhưng trong lớp học có nhiều bác sĩ đã "điều trị" cho tôi rất tốt. Xin chân thành cám ơn các bạn.
Lớp học chỉ có 12 ngày mà phải nhồi nhét một số kiến thức lớn và nhiều kĩ năng nên có khi chúng tôi phải chạy đua với thời gian. Nhưng tôi nghĩ các bạn thông cảm cho nỗi khổ của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi tin rằng các bạn học viên đã tiếp thu những kiến thức và kĩ năng quan trọng nhất trong phân tích dữ liệu khoa học. Những kĩ năng "advanced" mà ở nước ngoài người ta phải qua nhiều khoá học được chúng tôi cố gắng gói ghém lại những cốt lõi và truyền đạt lại cho các bạn. Có thể vài phương pháp các bạn chưa cần tới hiện nay, nhưng nó giúp cho các bạn có những suy nghĩ sâu hơn về nghiên cứu của mình.
Như các bạn thấy, có khá nhiều phương pháp chưa có trong các sách giáo khoa, và chúng tôi truyền đạt lại cho các bạn qua những bài báo khoa học và nghiên cứu của chính chúng tôi. Nói ra không phải để "nổ", nhưng các bạn sẽ không thể học từ những người Tây những kĩ năng và "bí quyết" đó (vì đơn giản là họ không sẵn lòng chỉ cho các bạn).
Rất tiếc là thời gian không cho phép chúng ta bàn Big Data. Thật ra, tôi cũng thấy trước vấn đề thời gian, nên không dám hứa. Tuy nhiên, tôi dự tính năm tới (2016) sẽ làm một workshop chuyên đề và Big Data sẽ được đem ra giảng. Một khi các bạn đã có kiến thức nền của khoá học này thì việc hiểu những vấn đề của Big Data sẽ rất dễ dàng (và các bạn sẽ thấy nó, Big Data, chỉ là một cái "hype" mà thôi). Không có gì qua được cách đặt câu hỏi nghiên cứu cho tốt và làm thí nghiệm/thu thập dữ liệu cho chặt chẽ; không nên chạy theo những hào quang của hype làm gì.
Tôi và anh Thạch thấy vui là trong lớp này chúng tôi đã giải toả nhiều ngộ nhận mà các bạn học viên nêu lên. Qua đó cũng thấy là ở trong nước vẫn tồn tại khá nhiều quan niệm sai lầm về phân tích dữ liệu và căn bản thống kê học. Cái khổ ở VN là những người giảng dạy về phương pháp phân tích không hay chưa làm nghiên cứu, nên họ rất "giáo điều" và dẫn đến việc gây khó khăn cho người làm nghiên cứu. Ngược lại, người làm nghiên cứu thì chưa am hiểu phương pháp, nên họ phải bám theo những giáo điều và lối mòn của người đi trước. Hệ quả là những giáo điều và ngộ nhận dần dần trở thành "chân lí" chẳng giống ai, góp phần vào sự tụt hậu của khoa học nước nhà. Hi vọng qua lớp học này, các bạn đã ngộ ra nhiều điều tưởng là phức tạp nhưng thật ra thì rất đơn giản (về ý tưởng).
Trong 10 năm qua, cứ mỗi lần làm một workshop là tôi có thêm nhiều bạn mới. Lớp học này cũng thế, với hơn 200 bạn đến từ 17 tỉnh thành, tôi đã có cơ duyên tiếp xúc với rất nhiều bạn. Cứ mỗi lần tôi đi đây đi đó là gặp vài bạn, có khi là qua những lớp học như thế này, có khi là qua blog. Tôi có một ước vọng là một ngày nào đó chúng ta có thể tổ chức một hội nghị về chủ đề phân tích dữ liệu để huy tụ tất cả các bạn quan tâm.
Một lần nữa, tôi muốn qua cái note này gửi lời cám ơn chân thành đến các bạn học viên, trợ giảng, Trường đại học Tôn Đức Thắng, và ban hậu cần đã giúp đỡ làm nên sự thành công của workshop.
Chuyến đi nào cũng là "một công hai ba chuyện". Chuyến đi này cũng vậy, ngoài khoá học chính, tôi còn có dịp giảng ở Bệnh viện 115, ở hai đại học Văn Hiến và Nguyễn Tất Thành. Tôi còn có dịp trò chuyện với các bạn ở vài trường khác về những vấn đề khoa học và hợp tác. Có rất nhiều chủ đề có thể làm nhưng chẳng biết tìm kinh phí từ đâu. Ngay cả một tổ chức tưởng là khá như Nafosted cũng có nhiều vấn đề và tôi bắt đầu mất lòng tin vào họ. Nhìn bi quan thì khoa học VN sẽ chẳng bao giờ thành "rồng" với những suy nghĩ và con người làng nhàng, nhưng nhìn tích cực thì thấy nhiều cơ hội để thực hiện những dự án quan trọng có thể đóng góp vào kiến thức nhân loại.
Những chuyến đi và trò chuyện như thế giúp nảy sinh ra nhiều ý tưởng nghiên cứu, và dự án trong tương lai. Một trong những việc có thể làm trong năm nay là thực hiện một workshop 6 ngày về phương pháp nghiên cứu ở miền Tây, cụ thể hơn là ở Kiên Giang. Hi vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của các đồng nghiệp miền Tây vì trước đây các bạn ấy không có điều kiện lên Sài Gòn để học. Tôi hứa là workshop sẽ có "chất lượng" như ở bất cứ nơi nào trong thế giới phương Tây.
Một "outcome" hay khác là một nhóm nghiên cứu sẽ được hình thành ở miền Tây. Nhóm này sẽ qui tụ nhiều anh chị em đam mê với khoa học để cùng nhau hợp tác thực hiện những dự án qui mô lớn. Tôi cho rằng cái thời làm lẻ tẻ, làm cho có, làm theo kiểu ăn xổi sẽ (hay đang) qua, và cái thời làm nghiên cứu qui mô lớn với sự hợp tác của nhiều người đang đến. Do đó, phải có những nhóm làm việc chung với nhau vì một lí tưởng và mục tiêu. Tôi rất vui khi thấy một nhóm như thế sẽ ra đời ở miền Tây. Sẽ phải có sứ mệnh và mục tiêu đàng hoàng để mọi thành viên nhắm vào đó mà làm.
Một lần nữa, tôi cảm ơn tất cả các bạn xa gần đã dành cho tôi những khoảng thời gian quí báu và có ích. Tôi còn nhiều việc phải làm sau chuyến đi này, có cả việc làm một tạp chí y khoa, và sẽ tìm cách sắp xếp việc nào trước và việc nào sau. Hẹn gặp lại vào dịp giữa năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét