Mấy tuần nay, tôi về Việt Nam, nên không có thì giờ cập nhật trang blog. Chuyến đi này trước là làm việc công và sau là nghỉ hè. Tôi có dịp đi đây đó suốt 2 tuần đầu năm 2016, nên có viết lại những cảm nhận và suy tư của mình. Xin chia sẻ vài trang nhật kí cùng các bạn nào chưa có dịp về VN trong năm nay. Đất nước này thay đổi từng ngày, nên những dòng chữ sau đây cũng có thể xem là một vài dữ liệu trong buổi giao thời. Đây là phần I của nhật kí.
20/12/15: Mình về thành phố đây rồi
Sài Gòn mùa này lành lạnh kiểu gió heo mây, dễ chịu một cách lạ thường, nhất là sau cái nắng oi bức hôm qua ở Sydney. Sáng nay, nhâm nhi tách cà phê ở một con đường có cái tên đẹp thời trước 1975: Đường Yên Đỗ.
Cà phê ở Sài Gòn gần như là một nét văn hoá, mà người đi xa về có khi ... quên. Một anh bạn tôi mới về VN vài tháng, có lần kéo tôi ra một góc riêng và tâm sự. Tưởng gì ghê gớm lắm, ai dè anh nói "ông à, từ ngày tui về đây, tui mới biết thưởng thức cà phê buổi sáng. Chứ ở bển mình chạy gần chết cho đúng giờ, thì giờ đâu mà nhâm nhi cà phê cà pháo"! Tôi suýt phì cười trước lời tâm tình đó, nhưng thấy mặt anh ta rất "deadly serious" tôi không dám cười, nên cũng gật gù tán đồng.
Sáng hôm nay tôi mới thấy anh ấy nói đúng. Có những khoảnh khắc của thành phố làm mình yêu cái quê hương đau khổ này. Như sáng nay chẳng hạn, một quán cóc bên rặng trúc, cái không gian nhỏ xíu bên cạnh cái toà nhà cao được biến thành một chỗ cà phê (động từ) rất dễ thương. Chỉ có Sài Gòn người ta mới năng động và sáng tạo như thế.
Nhìn dòng người qua lại ở đây, tôi chợt nhận ra một khác biệt hết sức quan trọng giữa Sài thành và Hà thành. Đó là ở Sài thành chúng ta không thấy nón cối và áo bộ đội nhan nhản như ở Hà thành. Người dân Sài thành dù "lao động" cỡ nào, như chú xe ôm bên kia đường nhìn tôi, cũng không đội nón cối và khoác áo bộ đội. Bởi thế tôi mới ca bài "mình về thành phố đây rồi."
Một quán cà phê bình dân ở 117 Lý Chính Thắng (Yên Đỗ cũ)
21/12/15: Em ra đi nơi này vẫn thế?
Hồi xưa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có sáng tác một bài nhạc nổi tiếng mà trong đó có câu "em ra đi nơi này vẫn thế". Nghe nói rằng câu đó là một lời nhắn đến ca sĩ Khánh Ly (và những người rời Sài Gòn sau 1975) đang luyến tiếc cái Sài thành (hãy tạm cho là) một thời hoa lệ. Nhưng ngày nay, nếu có ai trở lại Sài Gòn thì cái câu "em ra đi nơi này vẫn thế" chỉ đúng một chút thôi, vì mọi sự đã đổi thay theo chiều hướng ... xấu đi.
Sự đổi thay hiển nhiên nhất là bụi và ồn. Dĩ nhiên, thành thị thì phải có tiếng ồn, nhưng tiếng ồn ở Sài thành thì phải nói là kinh khủng. Mới 4 giờ sáng thôi mà nằm ngủ ở tầng 15 vẫn nghe tiếng ồn đánh thức! Xuống đường thì đi đâu cũng nghe tiếng bùng bùng của xe gắn máy đang chen lấn trên từng centimetre của những con đường mà có lẽ được thiết kế cho xe ngựa ngày xưa. Tôi nghĩ nếu có ai đó đo tiếng ồn ở thành phố này thì kết quả chắc chắn sẽ cao nhất nhì thế giới. Và, nếu ai chịu khó làm nghiên cứu thì sẽ thấy những người sống gần khu ồn ào sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao. Ở đâu thì tôi không rõ, nhưng ở thành phố này, cũng có vài điểm chưa thay đổi. Một trong những nét chưa thay đổi là lời hỏi câu chào. Sáng nào tôi cũng đi dạo một vòng con đường từng một thời nổi tiếng ở Sài Gòn, và sáng nào cũng đúng cái giờ đó là cô bé xuất hiện chắc là đi làm ở một quán cà phê gần đó. Gặp tôi, cháu mỉm cười, rồi hỏi với chất giọng bắc kì 54 "đi bách bộ hả chú?" Đến khi ghé quán, thì cháu lại xuất hiện với câu "li số 3 chú nhé?"
Chẳng hiểu sao những câu chào hỏi đơn giản như thế làm tôi có lúc rung động. Ở Úc, sáng nào đi làm cũng gặp những người quen mặt, nhưng hình như ai cũng giả vờ như chưa từng gặp nhau, ai cũng im lặng tìm chỗ ngồi trong toa xe điện và đọc tin tức trên điện thoại. Còn ở đây, có khi những người gặp nhau ngoài đường chẳng hề quen biết nhau, nhưng lại tỏ ra quen nhau như từ thuở nào. Có lẽ vì cái tiếng nói của mình nó có yếu tố cảm tính, và cảm tính là chất keo gắn kết cộng đồng với nhau. Đúng là “Em ra đi nơi này vẫn thế / Thành phố vẫn có những ước mơ / Vẫn sống thiết tha / Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi”.
24/12/15: Diện kiến "fan"
Sáng hôm nay (24/12) thật là một buổi sáng hạnh phúc của tôi. Mới 6:10am, tôi đi trên đường tìm quán cơm tấm chợt thấy một người cao tuổi, quần áo tươm tất như đang đi làm việc, đi ngược lại hướng tôi đi, khi ngang nhau ông cụ đưa tay ra bắt, rồi nói giọng Nghệ dễ nghe: "Anh chắc là giáo sư Tuấn. Tôi đọc blog của anh hàng ngày. Mấy hôm nay không thấy bài, hoá ra là anh về đây!"
Rồi ông cụ vui vẻ tự giới thiệu là phó giáo sư Phan Huy (...), trưởng tộc họ Phan Huy. Tôi vui vẻ nói thêm "Ah, tộc Ban Ki Moon," và ông cũng vui vẻ nói "đấy"! Vì theo dõi blog nên ông biết rõ tôi đang làm gì ở ĐH Tôn Đức Thắng. Nhân dịp, ông nói luôn rằng ông tán thành việc làm và tiêu chuẩn bổ nhiệm giáo sư của Trường. Ông nói cần phải có một trường đi tiên phong để trường khác noi theo, chứ cứ theo lối mòn cũ thì sao tiến bộ được. Cuộc trò chuyện của chúng tôi chỉ ngắn ngủi thế, nhưng nó để lại một cảm giác vui trong lòng vào buổi sáng ngày Noel.
Đến quán cơm tấm lại có chuyện hay. Quán bình dân ven đường thôi, nhưng sạch sẽ lắm. Tôi gọi một dĩa xịn nhất và dặn nhiều cơm, chị bán quán vui vẻ làm, rồi nói sáng nào cũng thấy tôi qua lại, mà mãi đến hôm nay mới ghé quán chị ấy. Chị ấy tinh mắt đến nỗi thấy tôi ít dùng dĩa nước mắm ớt, chị hỏi ngọt quá phải không, rồi đem chai nước mắm nhỉ ra cho tôi pha. Chị nói một câu làm tôi giật mình, rằng chị nghe nói có ai đó chê nước mắm ớt chế biến cho cơm tắm ngày nay quá ngọt, nên chị phải chuẩn bị sẵn. Tôi nghe mà "nhột" vì tôi chính là người viết bài đó trên Sài Gòn Tiếp Thị. Tôi tự thú chính tôi là kẻ viết bài "chê" đó, làm chị ngạc nhiên!
Thấy chị dễ mến, tôi gọi thêm một chén cơm. Vừa ăn vừa trò chuyện ngày xưa, vì chị là người sinh ra và lớn lên ở con hẻm này. Chị nói về sự đổi đời sau 1975, về những sự bất công xã hội ngày xưa và ngày nay, về sự xuống cấp văn hoá và đạo đức, vv Tôi hỏi sao chị biết, chị nói lên mạng đọc báo lề dân. Tôi không ngờ một người có dáng dấp lao động như vậy mà biết khá tốt về thời sự và có những nhận xét sắc bén. Hoá ra, người dân nhìn thấy hết, biết hết, nhưng họ không có dịp và phương tiện lên tiếng mà thôi. Tôi chợt nhận ra rằng khi nào người dân không được mở miệng nói thì lúc đó những mầm móng xung đột vẫn còn âm ỉ phía dưới bề mặt xã hội.
Đến khi tính tiền, chị nói sáng mà có người mở hàng như tôi (chắc ý nói ăn hai dĩa cơm!) thì hên lắm. Tôi phì cười, chưa biết nói gì trả nghĩa, nhưng trong lòng thì nghĩ tôi mới là người may mắn. Một buổi sáng trong lành, gặp hai người từ hai thành phần xã hội rất khác nhau, nhưng cả hai đều có những suy tư và trăn trở rất nhân văn. Thôi thì nhân ngày 24/12 này tôi xem cái ghi chép nhỏ này như là một lời chúc mừng các bạn. Chúc các bạn tận hưởng một mùa Giáng sinh an lành cùng một năm mới nhiều may mắn.
27/12/15: Sinonization of Vietnam
Chắc các bạn không tìm ra nghĩa của chữ trên đâu, vì tôi mới nghĩ ra ngày hôm qua. Tối qua, nhân dịp đi thăm nhà của một anh bạn, rồi trên đường về khách sạn, thấy những trang trí đèn néon trên con đường dẫn vào Dinh Thống Nhất, tôi thấy hình như có một sự "Tàu hoá" Việt Nam đang diễn ra, và tôi gọi đó là "sinonization".
Thật vậy, nếu có dịp ghé qua Bắc Kinh hay một thành phố lớn của China vào dịp gần cuối năm, các bạn sẽ thấy các con đường chính được trang trí rất màu mè và dùng nhiều đèn. Họ dùng đèn néon để kết thành từng cụm theo hình dạng bông hoa. Đi trên những con đường như thế làm cho người ta có cảm giác nhộn nhịp, rộn ràng, và phố thị. (Nhưng khi ánh đèn tắt thì con đường quay về cái trạng thái bẩn thỉu của nó.) Người dễ tính thì thấy hay hay, vui mắt, và có dịp chụp hình. Người nghiêm khắc thì xem đó là một kiểu phô trương mang tính phường tuồng, một kiểu phí tiền thuế của dân.
Ấy thế mà tôi lại thấy những hoa văn đèn đó ngay tại đất nước này! Những con đường chính ở Sài Gòn được trang trí gần như y chang hoa văn của Tàu. Rất có thể người trang trí mua đèn hoa văn của Tàu và treo trên đường phố, chứ họ không sản xuất ra hay sáng tạo ra mô hình cho VN.
Cái cách bắt chước đó có tác hại trong cái nhìn của người nước ngoài. Tác hại đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Thử tưởng tượng một du khách mới bay từ Tàu sang Sài Gòn và nhìn thấy những con đường với trang trí như thế, họ chắc nghĩ rằng Sài Gòn là thành phố của Tàu? Nếu không nghĩ thế, họ sẽ nghĩ đất nước này là một phiên bản nhỏ của Tàu. Nếu không nghĩ là phiên bản, thì có lẽ họ nghĩ người Việt chẳng sáng tạo gì, mà chỉ sao chép nguyên bản từ Tàu. Nói chung, sự rập khuông Tàu không giúp chúng ta tốt hơn trong cái nhìn của người nước ngoài.
Thật ra, những gì tôi quan sát trên con đường Sài Gòn chỉ là chuyện nhỏ; chuyện lớn hơn và bao quát hơn về hiện tượng sinonization Việt Nam. Chúng ta đã nghe và biết những doanh nghiệp Tàu thao túng kĩ nghệ xây dựng ở VN như thế nào. Mới đây nhất là người Tàu đến các thành phố VN, lập doanh nghiệp và có những hình thức "tự chủ" ngay trên đất nước VN (như ở Vũng Áng), hay thậm chí không bán hàng cho người Việt (như ở Đà Nẵng). Họ thích trương bảng hiệu tiếng Hoa như là một phát biểu ai là chủ của vùng đất này. Tôi xem đó là những hình thức Tàu hoá Việt Nam.
Nhìn chung và xa hơn thì tình hình sinonization VN rất đáng ngại. Quá trình sinonization này bắt đầu lâu lắm rồi, từ cái ngày chủ nghĩa Mao thâm nhập vào chính trường VN. Những gì xảy ra trong thời gian gần đây cộng với sự trỗi dậy của Tàu chỉ tô đậm thêm quá trình sinonization ở đất nước chúng ta mà thôi. Vấn đề là mỗi chúng ta phải làm gì hay khoanh tay đứng nhìn hiện tượng này xảy ra. Tôi nghĩ là chúng ta nên bắt đầu từ việc cá nhân nhất là giảm thiểu sự lệ thuộc vào China, và khi nhiều người như thế thì tất nhiên sẽ giúp cho VN thoát khỏi tình trạng "sinonization" như hiện nay.
Gu thẩm mĩ của TPHCM ngày nay: đèn đường dẫn vào Dinh Thống Nhất
28/12/15: Người Việt quan tâm vấn đề gì?
Hôm nọ, trên một chuyến bay, tôi đọc được kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến (do báo Tuổi Trẻ thực hiện) rất thú vị. Kết quả thăm dò trên 500 người cho thấy an toàn thực phẩm được xem là mối quan tâm số 1 (với 66% người quan tâm), kế đến là vấn đề Biển Đông nhận được sự quan tâm của 56% người được hỏi.
Nói cho cùng thì kết quả điều tra xã hội chỉ là sản phẩm của những hoạt động xã hội. Người ta quan tâm đến những gì mà báo chí đưa tin. Mà, ở VN báo chí chịu sự kiểm soát của đảng. Đảng định hướng sự quan tâm của người dân. Có lẽ điều đó giải thích tại sao người dân chỉ quan tâm đến những vấn đề họ đang đối phó (như an toàn thực phẩm, chất lượng hàng tiêu dùng và công lí) chứ chẳng thấy quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như kinh tế, thể chế, và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Con số trên 50% người dân quan tâm đến vấn đề Biển Đông có thể diễn giải như là một sự thất bại trong việc giáo dục về chủ quyền biển đảo ở nước ta.
Do đó, cũng có thể hiểu rằng những kết quả trên đây là "sản phẩm" của quá trình định hướng dư luận, chứ chưa chắc là những quan tâm thực sự của người dân.
(còn tiếp phần II)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét